Bố đáng ghét, bố đừng nói gì với con nữa, con bé 4 tuổi của tôi vừa khóc mếu máo vừa nói giọng trách móc chỉ vì tôi đã tắt ti vi không cho nó xem phim hoạt hình mèo chuột và bắt nó đi ngủ.
Do nó bị gãy tay phải nghỉ học, tôi chuyển sang làm việc buổi tối, để ban ngày ở nhà trông nó khi vợ đi làm. Buổi sáng, 2 bố con hay đèo nhau đến công viên hoặc quán cà phê vườn ngồi chơi cho nó đỡ buồn, chứ ở trong nhà suốt hơn 1 tháng trời sao mà chịu nổi. Hơn nữa, tôi cũng không muốn nó suốt ngày, hết sáng lại chiều, cứ quanh quẩn trong nhà chơi đồ hàng, xem phim hoạt hình…
Những lúc chơi vui vẻ thì không sao, nhưng nếu quát mắng mỗi khi nó hư hoặc không nghe lời hay cấm xem ti vi thì nó lại mếu máo khóc lóc, rồi nói ra những lời trách móc, hỗn láo khiến tôi tức lên phát vào mông nó. Bị đánh, nó khóc càng lớn hơn, rồi cứ luôn mồm “Mẹ ơi, mẹ về với con. Mẹ ơi, mẹ về với con”… Cứ như thế, bố quát con khóc, con khóc bố quát. Không khí ồn ào đó chỉ lặng xuống khi tôi dịu giọng và ôm nó vào lòng.
Ngẫm nghĩ, mới chỉ ở nhà chăm sóc con có hơn 1 tháng mà tôi đã cảm thấy mệt mỏi. Trong khi mẹ tôi hồi đó, ngày bố tôi mất, bà mới tuổi 35 - cái tuổi mà không ít cô gái thế hệ hiện nay còn chưa có đứa con nào - nhưng bà đã một nách 7 con, đứa lớn nhất chỉ mới 15, đứa nhỏ nhất còn chưa tròn 1 tuổi. Không có được quyền trợ giúp “nhờ người thân”, bằng tình thương của người mẹ, một thân một mình bà đã nuôi chúng tôi khôn lớn.
Nhớ lại, khi bố tôi mất ông chẳng để lại cho mẹ tôi được gì ngoài căn nhà gỗ đến hồi xiêu vẹo, một cái máy may và 7 đứa con nheo nhóc. Hết may vá rồi lại buôn bán đủ loại: nào trái cây, nào bánh khúc, bánh cuốn, xôi vò, khoai lang, khoai mì… Hết bán buôn rồi trở lại may vá, bà đã làm tất cả lo cho chúng tôi có cái ăn cái mặc, đứa nào cũng được cắp sách đến trường. Cũng có lúc vì quá mệt mỏi do phải một mình bươn chải kiếm sống, trong khi lũ nhóc chúng tôi lại gây ra nhiều điều phiền phức (con nít mà) khiến bà bực tức quát tháo: “Tao mặc tụi bay, lo chi cho mệt xác tao”. Tức thì nói thế, chứ thực tế anh em chúng tôi đứa nào cũng được lo đi học đàng hoàng, ít nhất thì cũng học hết lớp 12 và cũng chẳng đứa nào bị chết vì đói khổ.
Ông bà ta thường nói “trời sinh voi sinh cỏ”, nhưng với chúng tôi “cỏ” là do mẹ tôi làm ra. Nếu mẹ tôi không thương con, không chịu khó, chịu cực có lẽ chúng tôi không được như ngày nay, dù rằng chẳng có đứa nào làm “ông cống ông nghè” gì cả nhưng ít ra chúng tôi đã nên người, mỗi đứa đều có một gia đình đầm ấm
BẢO NGỌC