Vào năm 1987, nhà tôi quyết định rời Ba Vì (Hà Nội) theo đoàn đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Hành trang mang theo chỉ là ít đồng bạc bà ngoại dấm dúi cho, một bao gạo và vài cân lúa giống. Trước hôm đi, cả nhà tập trung gói bánh tét để ăn trên đường. Bánh tét của bố mẹ không có đậu xanh cũng chẳng có thịt mỡ. Cứ lá chít mà quấn quanh gạo nếp xóc muối. Bố cười hề hề: “Tàu có chạy mười ngày thì bánh cũng đố mà thiu được”. Đoàn kinh tế mới phải đi suốt bốn ngày trời, từ Ba Vì đi xe đò lên Hà Nội, từ Hà Nội đi tàu hỏa vào Thủ Đức (TPHCM) rồi lại xe đò lên Lâm Đồng. Chú tôi đưa cả nhà lên ga Hà Nội. Khi đã giúp chất đồ đạc lên tàu xong xuôi, chú cứ đứng ngây người chẳng thấy bắt xe về. Biết chú không có tiền, mẹ dúi tiền vào tay chú chút đồng bạc cuối cùng.
Ba ngày chòng chành trên tàu chật ních. Bánh tét không nhân đúng là không thiu nhưng bị lại gạo, cứng đờ, cố nuốt cũng còn cảm nhận vị bồn bột của gạo nếp sống. Tàu đến Thủ Đức vào khoảng 9 giờ đêm. Lần đầu tiên, cả nhà tôi nhìn thấy một nơi trù phú đến vậy, đèn đường sáng trưng. Cửa hàng ăn ở cạnh ga phục vụ xuyên đêm cho người đi kinh tế mới. Cả nhà định lướt qua nhưng nghe mùi thơm của cơm tấm, bún phở, bụng dạ ai nấy đều cồn cào. Mấy ngày trời ăn bánh lại gạo khiến cả nhà khao khát một bữa ăn nóng sốt xì xụp. Bố tôi ngập ngừng gọi 2 tô phở. Nhà bốn người ăn chung 2 tô, vét không còn một giọt nước. Đó có lẽ là tô phở ngon nhất trong đời.
Xong xuôi, mẹ hỏi bố: “Mình có tiền cơ à?”. Mặt bố tôi thất thần: “Không, tôi tưởng mình có ít đồng bà ngoại cho mà”. Mẹ hoảng hốt: “Tôi đưa cho chú Tâm bắt xe về quê rồi”. Bố mẹ nhìn nhau, run rẩy đẩy ghế ra rồi bế thốc các con lên mà chạy. Bà chủ tiệm tay vẫn cầm cái vá nước lèo to tướng đứng ú ớ: “Ơ hình như chưa trả tiền”. Hai chàng trai đang bưng chồng bát đĩa đặt vội xuống đất, định đuổi theo. Bất thình lình bà chủ chắn ngang: “Thôi con, trông người ta khổ quá”. Mẹ nhắc lại câu chuyện bằng một giọng tràn đầy lòng biết ơn. Mẹ biết, gia đình tôi nợ quán ăn không chỉ 2 tô phở mà nợ cả một ân tình. Tôi nhớ, mình cũng nợ Sài Gòn nhiều nghĩa tình khó đong đếm. Có lần phải nhập viện vì làm việc quá sức, cả ngày, tôi chỉ nằm dài trên giường bệnh mà ngủ, đến bữa cũng quên ăn. Lúc choàng tỉnh giấc, một ông chú dúi vào tay tôi tờ một trăm ngàn: “Cầm lấy đi con, mua gì mà ăn chớ cả ngày không ăn gì là mệt lắm đó!”. Chắc chú nghĩ tôi không ăn vì hết tiền. Nhìn gương mặt phúc hậu của người lạ, lần ấy, tôi chực trào nước mắt.
Vài lần hỏi đường ở Sài Gòn, bà cô sau khi khua tay múa chân: “Quẹo trái, quẹo phải, vô hẻm, quẹo phải quẹo trái, đâm thẳng”, vẫn thấy mặt mình ngơ ngác, đành thảy đứa cháu bên sườn qua cho con dâu, dắt xe choàng cái nón bảo hiểm: “Đi theo tui nè”. Bà cô dẫn tôi đến tận nơi rồi quay xe về thẳng, chả buồn nán lại nghe một tiếng cảm ơn.
Có hôm ra sân bay sát giờ máy bay cất cánh, nhấp nhỏm sau dòng người xếp hàng chờ kiểm tra an ninh, bà chị đứng phía trước người đầy hình xăm hất hàm hỏi: “Trễ hả, lên đi!”. Rồi cứ thế, chị đẩy vali tôi lên trước, đập vai người đứng trước: “Nhỏ này trễ, ba má với út cho người ta lên giùm đi”.
Chục năm sống trong những ngôi nhà xếp chồng lên nhau, thỉnh thoảng tâm hồn tôi dịu lại, mềm nhũn vì sự chân chất mà khoáng đạt của người Sài Gòn. Ở đâu cũng có người tốt người xấu, nhưng trong một cộng đồng đôi khi chung niềm vui, nỗi buồn rồi dần dà sẽ có những con người chung một tấm lòng.
Chiều hôm ấy, tôi kể cho mẹ nghe những chuyện này, để an ủi bà khỏi áy náy vì đã nợ Sài Gòn 2 tô phở.