Đối đãi chân tình
Chiều muộn, dưới sân chung cư Thái An (quận 12), nhiều bà ngoại, bà nội tấp nập đưa cháu đi chơi. Người này chuyện trò với người kia khá vui vẻ. Bỗng bà Tư (quê Trà Vinh) khoe với mấy bà bạn già rằng, con dâu bà vừa tặng đôi bông tai PNJ gần 10 triệu đồng. Các bà khác cũng lần lượt khoe con gái (bà Hai) tặng chuyến đi du lịch Hàn Quốc hơn 10 triệu đồng; con rể (bà Bảy) tăng mức biếu hàng tháng từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng/tháng… Bà nào cũng vui cười, hớn hở.
Vô tình nghe trọn câu chuyện các bà, các mẹ khoe nhau về “thành tích” con cái hiếu thảo, chị Ngô Bích Thủy, con gái bà Bảy chợt giật mình khi biết mỗi tháng chồng gửi biếu mẹ mình lên tới 8 triệu đồng, trong khi cả hai thỏa thuận với nhau chỉ gửi biếu bà 5 triệu đồng/tháng. Mà Thủy còn lạ gì tính mẹ, đưa càng nhiều bà càng thích chứ đâu quan tâm đến chuyện con cái kiếm tiền vất vả thế nào.
Nhẩm tính, cả hai vợ chồng vừa gom tiền trả góp 1 căn hộ ở quận 7 hơn 20 triệu đồng/tháng, tiền thuê căn hộ hiện tại hơn 6 triệu đồng/tháng, tiền biếu mẹ, tiền đóng học cho 2 đứa nhỏ, tiền ăn uống các thứ, nhẩm tính cũng gần 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của 2 vợ chồng xấp xỉ như vậy. Nói xui, nếu một trong hai vợ chồng mà ốm đau thì cả nhà đói meo. “Góp ý với mẹ về cách chi tiêu nhưng chẳng ăn thua. Chưa kể, mới đây bà còn gợi ý rằng tiền biếu 8 triệu đồng/tháng là hơi ít. Bà muốn tăng thêm. Mình nghe mà muốn tụt huyết áp”, chị Ngô Bích Thủy tâm sự.
Không chấp nhận hoàn cảnh xô đẩy như một số người, Lê Hương Oanh (ngụ quận Gò Vấp) là cô gái cá tính, lập gia đình hơn 10 năm, làm hướng dẫn viên du lịch. Kể lại thời điểm mới quen chồng, Oanh bị mẹ chồng nhiều lần gọi điện thoại mắng té tát. Oanh đã chủ động trao đổi với bạn trai, chồng cô bây giờ, về việc sẽ gặp trực tiếp bà. Qua trao đổi, cô được biết bà sợ “mất” con trai vì bà phải làm mẹ đơn thân lúc khá trẻ, nên không muốn con trai theo vợ, bỏ bê mẹ. Chưa kể, bà cũng sợ Oanh về làm dâu, lấy tiền chồng (vì nhà chồng cô thuộc diện khá giả) biếu bố mẹ ở quê. Oanh nói thẳng rằng, cô đi làm gần 6 năm qua, chủ động thu nhập mỗi tháng, đồng thời còn tiết kiệm mua trả góp căn hộ.
Việc báo hiếu cha mẹ là chuyện cô vẫn làm từ trước đến nay và khi có chồng cũng thế, nhưng trên tinh thần cả hai cùng trao đổi, bàn bạc trước và cũng chỉ lấy từ tiền của Oanh. “Cháu tôn trọng suy nghĩ của bác và không muốn bác phiền lòng, nhưng cháu không thể vì lấy chồng mà cháu quên luôn gia đình nhà mình”, Oanh nói. Nhưng không ngờ chính sự bày tỏ quan điểm rõ ràng này mà cô trở thành con dâu cưng, được mẹ chồng rất tôn trọng.
Vì tương lai con trẻ
Nhớ lại quãng thời gian hơn 20 năm làm dâu của mình, cô giáo Nguyễn Ngọc Thương, ngụ tại Yên Bái, cho biết cũng nhiều gian truân, nhưng rồi khó khăn cũng qua đi. Hồi mới tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tại Hà Nội, chị Thương vừa tròn 20 tuổi, khá xinh xắn, con nhà nền nếp, nên nhiều người mai mối dạm hỏi. Bố mẹ chị chỉ thích chàng trai gần nhà, làm nghề buôn bán vàng bạc, đá quý nên gả Thương cho anh này. “Mẹ chồng khó tính, xét nét mình từng chút một nên sống chung không dễ dàng.
Nhờ mình đối đãi chân tình, nhường nhịn, yêu kính bà nên bà cũng thay đổi dần. Sau này có lễ, tiệc bà đều gọi điện cho bố mẹ mình, mời ông bà sui đến chơi. Chưa kể, bà còn động viên mình nên chủ động biếu quà hoặc tiền cho bố mẹ mỗi tháng dù ít hay nhiều, mà không cần thông qua chồng hay mẹ chồng. Bởi đó là đạo hiếu của người làm con”, chị Nguyễn Ngọc Thương vui mừng kể lại.
Nhắc lại câu chuyện hôm trước, chị Ngô Bích Thủy nói đã được bạn bè động viên nên đã âm thầm tới gặp trực tiếp những người bạn của mẹ mình tại chung cư đang ở trọ, nhờ họ tâm sự với mẹ. “Mình chia sẻ hết những khó khăn mà vợ chồng mình đang phải gánh, cũng như những lo toan, trăn trở nếu bà đòi tới 10 triệu đồng/tháng. Không ngờ mấy ngày sau mình thấy mẹ thay đổi hẳn. Bà chia sẻ rằng đã quá vô tâm trên sự vất vả của con cái, nên bà chỉ nhận 3 triệu đồng/tháng, số còn lại để mình đóng học phí cho 2 đứa nhỏ. May là mẹ mình chịu nghe mấy bà bạn già, chứ không thì phiền phức”, chị Ngô Bích Thủy nói thêm.
Cuộc sống ngày càng bận rộn, khiến các mối quan hệ trong gia đình dễ bị lỏng lẻo. Do vậy, chỉ có cách đối đãi chân tình, quan tâm đến nhau mới có thể gắn chặt sợi dây ràng buộc vô hình như chất keo kết dính mỗi người. Nhưng muốn có được điều này, nhiều người cho rằng, hãy chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình, có khi là gay gắt cũng được, để người thân (mẹ ruột, mẹ chồng, mẹ vợ…) hiểu được những gì mình đang đối mặt. Vì suy cho cùng, âm thầm chịu đựng không phải là phương pháp hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn, mà đôi khi đó là sự thỏa hiệp dẫn đến kết cục xấu.