Mới đây, chuyên gia công nghệ Bạch Thành Trung - quản trị viên diễn đàn vOz đã tiến hành thử nghiệm thực tế để tính toán cụ thể mức tiêu hao năng lượng của hệ thống máy lạnh trên chiếc ô tô điện VinFast VF e34 và một mẫu xe xăng có cùng kích cỡ.
Đối với chiếc VinFast VF e34, chuyên gia Bạch Thành Trung mở điều hòa ở chế độ tự động và đỗ xe trong vòng 24 tiếng. Theo đó, xe dừng tại chỗ, dưới trời nắng không có mái che từ 9 giờ sáng ngày hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau, nhiệt độ ngoài trời có lúc đỉnh điểm lên đến hơn 41 độ C. Nhiệt độ từ hệ thống máy lạnh trong cabin được thiết lập ở mức 22 độ C. Thời điểm bắt đầu thử nghiệm, bộ pin còn khoảng 88% dung lượng, sau 24 giờ liên tục mở điều hòa, dung lượng pin còn 25%, tương đương với mức giảm 63%.
Theo ghi chép của chuyên gia Trung, trong 8 giờ liên tiếp có nắng, pin giảm khoảng 30%, từ 88% xuống 58%. 16 giờ còn lại trời mát và về đêm nên xe chỉ bật thêm đèn tự động cùng điều hòa, mức pin tụt thêm 33% từ 58% xuống còn 25%. Nhiệt độ thực tế trong xe đo bằng nhiệt kế độc lập có thời điểm báo chỉ 18 độ C, điều này khá dễ hiểu do xe đóng cửa gần như 24 giờ, không có người ngồi trong.
Với thực nghiệm này, có thể thấy, khi xe đỗ một chỗ dưới trời nắng nóng, hệ thống máy lạnh tiêu tốn chưa tới 4% dung lượng pin cho một giờ sử dụng. Như vậy, người dùng có thể mở máy lạnh liên tục trong khoảng hơn 25 tiếng dưới thời tiết nắng nóng xe mới cạn pin. Trong khi đó, khi trời mát, dung lượng pin chỉ giảm chưa tới 2% trong một giờ. Với mức tiêu hao năng lượng như thử nghiệm, mỗi giờ xe VinFast VF e34 tiêu hao tối đa khoảng 1,68 kWh cho máy lạnh, tương đương khoảng hơn 2.000 đồng tiền điện.
Trong khi đó, thử nghiệm với một chiếc xe xăng sử dụng động cơ 2.0L, thiết lập tương tự với nhiệt độ ngoài trời 40 độ C, nhiệt độ cabin ở mức khoảng 18 độ C, để xe dừng một chỗ và bật máy lạnh, mức tiêu hao xăng trong một tiếng là khoảng 0,352 lít, tương đương số tiền khoảng 10.300 đồng khi dùng xăng A95. Con số này gấp tới hơn 5 lần so với mức chi phí trên xe điện.
Đương nhiên, thử nghiệm này chỉ mang tính thời điểm khi xe dừng tại chỗ, tuy nhiên có thể dễ dàng thấy được ngay cả trong điều kiện vận hành thực tế, khi xe chịu tác động từ các yếu tố về điều kiện giao thông, hành vi lái xe của người điều khiển, mức tiêu hao năng lượng của xe điện cũng sẽ tối ưu hơn rất nhiều so với xe xăng.
Trước chuyên gia Bạch Thành Trung, nhiều tạp chí danh tiếng và các đơn vị kiểm định độc lập trên thế giới cũng đã có những thử nghiệm cho thấy khả năng tối ưu năng lượng của xe điện tốt hơn hẳn so với xe xăng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dùng, việc giảm tiêu hao năng lượng còn giúp xe có thể vận hành trên quãng đường dài hơn.
Theo lý giải của chuyên gia Bạch Thành Trung, về cơ bản, cơ cấu hệ thống máy lạnh của ô tô điện và ô tô dùng động cơ đốt trong không có nhiều khác biệt. Hệ thống này vẫn gồm các thành phần như máy nén, dàn nóng, dàn lạnh, quạt, bộ lọc, van tiết lưu… Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống này là cách cung cấp năng lượng cho máy nén.
Ở ô tô điện, máy nén được kết nối trực tiếp với bộ pin của xe nên hệ thống máy lạnh gần như hoạt động độc lập với động cơ. Trong khi với ô tô truyền thống, máy nén vận hành bằng cách kết nối với động cơ thông qua dây đai, nên xe phải nổ máy mới dùng được máy lạnh nếu không muốn xe bị hết ắc-quy. Đây là lý do khiến hệ thống máy lạnh trên xe xăng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn xe điện.
Như vậy, với kết quả thử nghiệm này, người dùng ô tô điện có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng máy lạnh kể cả khi gặp tình trạng tắc đường nhiều tiếng đồng hồ. Sẽ không còn cảnh tắt máy lạnh, mở cửa kính để tiết kiệm xăng như khi dùng ô tô động cơ đốt trong truyền thống nữa!