Gặp sự cố kỹ thuật?
Chiếc máy bay đã gặp sự cố chỉ ít phút sau khi cất cánh từ sân bay nêu trên. Trên website của Đại sứ quán Ukraine tại Iran ban đầu thông báo máy bay rơi do hỏng động cơ. Tuy nhiên, thông báo này sau đó đã bị gỡ. Công tác điều tra nguyên nhân vụ việc đang được triển khai. Đại sứ quán Ukraine tại Iran cho biết, máy bay rơi không phải do bị tấn công khủng bố.
Chuyến bay gặp nạn mang số hiệu 752 đang trên hành trình tới thủ đô Kiev của Ukraine. Dữ liệu trên trang web FlightRadar24 cho thấy, chiếc máy bay xấu số trên đã ngừng gửi tín hiệu về đài kiểm soát không lưu sân bay Imam Khomeini khoảng 3 phút sau khi cất cánh từ sân bay này. Sau đó, máy bay đã bốc cháy khi rơi xuống và phát nổ. Người phát ngôn cơ quan hàng không dân dụng của Iran Reza Jafarzadeh cho biết, một đội điều tra và các nhân viên cứu hộ đã được huy động tới hiện trường vụ việc ở vùng ngoại ô phía Tây Nam Tehran. Lửa vẫn đang bao trùm máy bay trong khi các nỗ lực cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành nhằm cứu các nạn nhân. Cùng ngày, lực lượng cứu hộ Iran đã tìm thấy hộp đen của máy bay trên ở ngoại ô thủ đô Tehran và đã được chuyển cho cơ quan an ninh. Tổ chức Hàng không dân dụng Iran tuyên bố sẽ không giao cho Mỹ hộp đen của máy bay bị nạn. Ông Abedzadeh cho biết, theo quy định hàng không quốc tế, máy bay rơi ở nước nào thì nước đó có quyền tiến hành cuộc điều tra. Do vậy, Tổ chức Hàng không dân dụng Iran sẽ tiến hành điều tra vụ tai nạn này nhưng Ukraine cũng có thể tham dự vào quá trình điều tra. Lần kiểm tra kỹ thuật gần đây nhất của máy bay Boeing 737 gặp nạn là ngày 6-1. Chiếc máy bay được giao cho Ukraine vào tháng 7-2016. Hãng hàng không Ukraine tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để sớm xác định nguyên nhân tai nạn. Hãng cũng đã đình chỉ mọi chuyến bay tới Tehran.
Việc xác định danh tính và quốc tịch các nạn nhân cũng đang được tiến hành. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, trong số 176 người xấu số có 82 công dân của Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Sĩ, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh. Nhiều người Canada trên chuyến bay này được cho là các sinh viên Canada gốc Iran quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ lễ.
Tránh không phận Iran
Tai nạn diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phóng tên lửa vào căn cứ có lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq. Cuộc tấn công buộc nhiều hãng hàng không cấm máy bay đến gần không phận Iran. Trung Quốc ngày 8-1 cho biết đã dừng toàn bộ các chuyến bay đến Iran và Iraq. Trước đó, Mỹ cũng thông báo cấm máy bay dân sự Mỹ hoạt động trong không phận của Iran, Iraq và các vùng biển ở vùng Vịnh, vịnh Oman, trong khi Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines yêu cầu tất cả máy bay của hãng chuyển hướng tránh qua không phận Iran.
Bên cạnh đó, vụ rơi máy bay này cũng diễn ra giữa lúc Boeing chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 Max. Hai vụ tai nạn ở Ethiopia và Indoneisa vào tháng 3-2019 và tháng 10-2018 khiến gần 350 người tử vong. Người phát ngôn của Boeing cho biết, họ đã nhận được thông tin về vụ tai nạn hàng không và đang thu thập thêm dữ liệu liên quan.
Boeing 737-800 là dòng máy bay 2 động cơ được sử dụng phổ biến cho các chuyến bay tầm ngắn và tầm trung. Dòng máy bay này được ra mắt vào cuối những năm 1990 và là phiên bản cũ hơn so với Boeing 737 MAX, hiện bị ngừng bay gần 10 tháng sau 2 vụ tai nạn chết người kể trên. Máy bay 737-800 cũng liên quan đến một số tai nạn chết người trong những năm qua như vào tháng 2-2016, chiếc Boeing 737-800 của Flydubai cất cánh từ Dubai bị rơi khi hạ cánh tại sân bay Rostov-on-Don, Nga, khiến 62 người thiệt mạng. Một chiếc 737-800 khác của hãng Air India Express khởi hành từ Dubai cũng bị rơi vào tháng 5-2010 khi hạ cánh ở Mangalore, Ấn Độ, khiến 150 người chết.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông báo điều chỉnh đường bay tránh khu vực Trung Đông nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và hoạt động khai thác. BÍCH QUYÊN |