Cuộc giao duyên hài hòa
Họa sĩ trẻ Trần Quốc Anh (sống và làm việc tại TPHCM) là một trong những họa sĩ có bìa sách tham gia triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022”. Anh là tác giả của nhiều bìa sách được yêu thích như Thất lạc cõi người, Đôi mắt trũng sâu, Phật trong hẻm nhỏ… Chia sẻ về vai trò của bìa sách trong kết cấu chung của một tác phẩm, họa sĩ Trần Quốc Anh cho biết: “Với tôi, bìa sách chính là “bộ quần áo” của cuốn sách, đại diện cho thể loại, tinh thần và nội dung của cuốn sách. Một cuốn sách không có bìa giống như món ăn mới chỉ sơ chế nguyên liệu mà chưa chế biến. Và tất nhiên, hiếm có ai muốn ăn một món ăn mới chỉ ở dạng “thô” như vậy”.
Còn họa sĩ Kim Duẩn cho rằng, một bìa sách đẹp trước mắt sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, giúp việc phát hành sách được tốt hơn. Theo anh, những năm gần đây, tính thẩm mỹ của bìa sách ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ sự “khó tính” của người đọc. Ngoài việc đòi hỏi về nội dung, hiện nay độc giả cũng rất quan tâm tới yếu tố thẩm mỹ của một ấn phẩm.
Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 - Hội Mỹ thuật Việt Nam, chưa có một cuộc trưng bày hay một cuộc hội ngộ để các họa sĩ, những người làm bìa sách và những người làm sách ngồi lại với nhau, cùng trao đổi về câu chuyện bìa sách. “Thực tế, mỗi bìa sách là một bức tranh thu nhỏ, không đơn thuần chỉ là bìa sách. Nội dung và hình thức của sách cần ăn khớp với nhau. Cuốn sách nào mà bìa và nội dung không ăn khớp với nhau thì không khác gì một cuộc giao duyên… vô duyên. Do vậy, để cuộc giao duyên đó trở nên hài hòa thì hai yếu tố trên phải gắn kết với nhau”, ông bày tỏ.
Chưa được nhìn nhận đúng mực
Bìa sách đóng một vai trò quan trọng, đôi khi quyết định đến việc mua sách của độc giả. Chính vì lẽ đó, nhiều đơn vị xuất bản đã không ngần ngại đầu tư cho công đoạn này bằng việc “chiêu mộ” những họa sĩ tài năng lẫn tổ chức các cuộc thi thiết kế bìa sách. Nhiều họa sĩ trẻ đã tạo dấu ấn cho riêng mình và được tác giả lẫn độc giả yêu thích như Kim Duẩn, Trần Quốc Anh, Nguyễn Tùng Lâm, Tạ Quốc Kỳ Nam, Bùi Đức…
Tuy nhiên, có một thực tế là công việc thiết kế bìa sách ở Việt Nam hiện vẫn chưa được nhìn nhận đúng mực, chưa mang tính chất chuyên nghiệp và chuyên sâu giống như các nghề nghiệp khác. Trong các giải thưởng về sách, đa phần tôn vinh tác giả và dịch giả, riêng họa sĩ thiết kế bìa sách thì vắng bóng. Trước khi được đổi tên thành Giải thưởng Sách quốc gia (tiền thân là Giải thưởng Sách Việt Nam), ngoài hạng mục Sách hay, giải còn có Sách đẹp, sau này hạng mục Sách đẹp không còn nữa.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, cũng thừa nhận, những câu chuyện “hậu trường” làm sách như làm bìa sách như thế nào, trình bày sách ra sao lâu nay ít được nhắc đến. “Tôi hy vọng những hoạt động như triển lãm “Nghệ thuật bìa sách 2022” sẽ được tổ chức định kỳ hoặc sẽ có những buổi chuyên sâu khác - như trình bày ruột sách như thế nào. Những câu chuyện này rất quan trọng đối với ngành xuất bản nếu muốn hội nhập, theo kịp ngành xuất bản thế giới”, bà Hoa Phượng cho biết.
Theo họa sĩ Trần Quốc Anh, hiện tại, mức chi trả cho các họa sĩ vẽ bìa sách ở Việt Nam nói chung chưa cao và cũng chưa thực sự thỏa đáng với công sức. Phần lớn công việc vẽ bìa sách đều chỉ là công việc tay ngang của các họa sĩ, nhận theo đầu sách, dự án hoặc thời vụ. Có rất ít đơn vị xuất bản có họa sĩ vẽ bìa sách cố định, còn lại chủ yếu là đặt bìa từ họa sĩ ngoài đơn vị.
“Tuy đã có nhiều năm kinh nghiệm minh họa bìa sách, nhưng công việc chính của tôi vẫn là minh họa nội dung sách, thiết kế các ấn phẩm kèm sách và ngoài sách, thậm chí là tham gia sản xuất phim hoạt hình”, họa sĩ Quốc Anh chia sẻ.
Triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022” trưng bày hơn 700 bìa sách đẹp của 55 tác giả trên cả nước, cùng sự tham gia của 6 đơn vị xuất bản, gồm: NXB Giáo dục, NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Mỹ thuật, Nhã Nam và Thái Hà Book. Nằm trong khuôn khổ triển lãm, vào lúc 17 giờ 30 ngày 13-5, Công ty Sách Nhã Nam tổ chức tọa đàm “Trò chuyện về bìa sách” với sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Tùng Lâm và biên tập viên mỹ thuật Trịnh Hương Anh. |