Thiên tai - địch họa
Đất nước ta thời điểm mới trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc còn rất nhiều bộn bề, mất mát thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bắt đầu... Ký ức xưa làm những người còn sống luôn ám ảnh bởi những lần chà qua xát lại của quân Pol Pot. Người dân bên nào cũng đau và mất mát, nhưng tội ác diệt chủng với người dân nước bạn là nỗi ám ảnh còn hơn vết thương nơi chiến trường...
Trở lại cung đường biên giới Tây Nam qua các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đồn Biên phòng Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đang được khẩn trương xây mới. Giữa ngổn ngang gạch đá và các hạng mục dần hoàn thiện, ký ức về 43 ngày đêm (từ ngày 14-1-1978 đến ngày 27-2-1978) năm ấy vẫn hiện rõ trong ký ức những chứng nhân lịch sử. Chú Ba (tên thật Võ Văn Nào, 73 tuổi, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Năm đó nước ngập mênh mông. Nhiều thương binh cần được cứu chữa nhưng thiếu thuốc men, thức ăn, nhất là từng thùng nước uống phải đổi bằng máu với địch vì sông Long Khốt bị địch phong tỏa. Mỗi ngày, chúng bắn hơn 1.000 đạn pháo vào đồn”.
Câu chuyện với chúng tôi ngừng lại đôi phút, nỗi buồn khắc khoải trong lòng người lính năm ấy khiến lời kể chú Ba cũng nghèn nghẹn, có những mất mát chỉ trong gang tấc. Lời chú Ba nặng trĩu: “Anh em giữ đồn có đào chiến hào ra phía bờ sông để lấy nước nấu cơm, nó phục kích bắn chết ngay tại bờ sông”…
Lần giở trong những dòng kỷ yếu về Đồn Biên phòng Long Khốt có đoạn: “Từ ngày 16 đến 21-1-1978, địch dùng pháo và cối bắn liên tục vào đồn. Âm mưu của chúng là buộc ta cố thủ trong công sự, còn chúng yểm trợ cho bộ binh lấn dần, tăng cường lực lượng lên cấp Trung đoàn. Đến 17 giờ ngày 22-1-1978, đồn Long Khốt hoàn toàn bị bao vây, chỉ còn liên lạc với bên ngoài bằng vô tuyến điện”…
Theo lời chú Ba, 43 ngày đêm kiên cường năm đó, chênh lệch lực lượng rất lớn, khi phía ta chỉ có 40 chiến sĩ, còn phía địch đã lên tới cấp Trung đoàn. Cuộc chiến đi qua, 5 chiến sĩ tuổi còn đôi mươi đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.
Viết tiếp tự hào
Màu xanh miền biên viễn hôm nay như câu chuyện tiếp nối truyền thống bi tráng, tự hào ngày hôm qua, người nằm xuống để khói lam chiều bình yên trên những mái nhà vùng biên cương… Mỗi cánh đồng, con đường kể chuyện quân - dân.
Trên cánh đồng đang vào vụ gặt ở huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), chị Nguyễn Thị Bé Hai (38 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Con đường này được mấy chú (lực lượng Bộ đội biên phòng - PV) xây mới, chở lúa chở dưa gì cũng tiện, mùa mưa hết lo cảnh sình lầy. Mình đi ruộng, còn mấy chú đi tuần liên tục à, bà con yên tâm lắm”.
Công tác đền ơn đáp nghĩa chưa và không bao giờ là việc của 1 ngày hay 1 người. Mỗi đợt tiếp nhận chiến sĩ mới nhập ngũ, bài học đầu tiên mà Trung tá Đỗ Văn Long (Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Khốt, tỉnh Long An) hướng dẫn là tìm hiểu lịch sử và thắp nén nhang tưởng niệm người nằm xuống. Trung tá Đỗ Văn Long bày tỏ: “Đền Long Khốt tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh do Ban quản lý di tích lịch sử của huyện Vĩnh Hưng phụ trách. Đồn Biên phòng Long Khốt nằm cạnh đền, do đó như một truyền thống tiếp nối, mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đồn tự nhận thêm cho mình phần việc hỗ trợ trông coi, quét dọn đền. Và bài học đầu tiên của các chiến sĩ mới về đơn vị là đều sang đền, thắp nhang cho người nằm xuống. Mỗi tuần, mỗi tháng đều có sinh hoạt định kỳ, để truyền thống hào hùng năm xưa được nhắc nhớ và hiểu một cách trọn vẹn, thấu đáo”.
Biên giới Tây Nam qua nhiều tỉnh thành trên cả nước, liền kề về mặt địa lý với nước bạn, một cánh đồng, con đường, dòng sông cũng trở thành cột mốc. Long An hay tỉnh thành nào đó cũng chỉ là một phần trong câu chuyện biên giới năm ấy, con người - câu chuyện - vùng đất mà chúng tôi ghi chép, kể lại… Tất cả để tự hào và tiếp bước, bởi nỗi đau nào cũng cần được nhìn nhận để bước qua.
Lịch sử để lại bài học nhiều giá trị, và giá trị muôn đời chính là giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Mất mát, đau thương, chiến công vang dội hay nấm mồ liệt sĩ còn chưa biết tên… đều khiến người ta cúi đầu tri ân một thế hệ anh hùng. Người nằm xuống để muôn đời sau hoa lá thắm xanh trên đường biên giới.
Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, chú Ba nhắc đi nhắc lại: “Người dân bên mình tổn thất, người dân bên họ cũng đau thương, vì đây là nạn diệt chủng mà. Người Campuchia lúc đó cũng đau thương, mất mát lắm. Ở miền biên giới đời sống còn khó khăn lắm, nhưng họ rất chan hòa, mến khách. Còn nhớ năm 1979, khi tôi có dịp sang công tác bên nước bạn, tới thăm một hộ gia đình, trong nhà chỉ có con gà để giống họ cũng đem làm thịt đãi khách luôn, quý mến tới vậy đó”.