Một số quốc gia EU, một mặt hoan nghênh việc tiến hành một hội nghị thượng đỉnh giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga, mặt khác lại tỏ ra lo ngại EU có thể dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi Moscow sáp nhập trở lại bán đảo Crimea hồi năm 2014. Ngoài ra, còn xuất hiện lo ngại cho rằng hành động ủng hộ của Pháp và Đức - hai quốc gia có tiếng nói quan trọng trong EU có thể gây tác động tới chính sách đối ngoại của Brussels đối với Nga.
Nhận định về diễn biến trên, hãng tin Reuters cho rằng nếu mâu thuẫn lên cao, nội bộ EU có thể chia làm hai phe, với một bên ủng hộ chủ trương xích lại gần Nga như Pháp và Đức, bên còn lại gồm các nước vùng Baltic, Romania và Ba Lan. Đây có thể là trở ngại không nhỏ cho tiến trình giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine nếu hai phe không tìm được tiếng nói chung.
Thời gian gần đây, bất đồng trong EU về chính sách với Nga có xu hướng nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh Pháp là nước đi tiên phong có động thái “mở cửa” với Nga.
Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực làm ấm lại quan hệ với Nga khi chủ trì cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại miền Nam nước Pháp và nhất trí về việc nối lại liên lạc ngoại giao cấp cao giữa hai nước. Hợp tác chặt chẽ với Nga, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn, là lựa chọn hàng đầu giúp Pháp và lục địa già đối phó hiệu quả hơn với những mối đe dọa và thách thức về an ninh.
Đối với Nga, những bước tiến trong quan hệ với Pháp giúp mở rộng cánh cửa để Nga cải thiện quan hệ với EU. Trong khi đó, Đức cũng có xu hướng xích lại quan hệ với Nga sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran gây khó khăn cho EU. Hiện Moscow và Berlin muốn thu hẹp các bất đồng, “cài đặt” lại quan hệ song phương và tìm kiếm các giải pháp cụ thể để thúc đẩy kinh tế phát triển. Giới phân tích cho rằng, những động thái của Pháp, cũng như từ Đức, phù hợp với xu hướng hiện nay của một số quốc gia EU, trong việc hàn gắn quan hệ với Nga nhằm tránh tổn thất nặng nề từ những đòn trừng phạt lẫn nhau.
Dù xuất hiện một số ý kiến phản đối trong EU, lãnh đạo Pháp và Đức đều cho rằng tiến triển trong đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine đã làm tăng hy vọng các bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên trong 3 năm qua về việc chấm dứt cuộc xung đột giữa lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine và lực lượng Chính phủ Ukraine.
Trước động thái trao đổi tổng cộng 70 tù nhân của Nga và Ukraine từ đầu tháng 9, giới chức phương Tây, đặc biệt là Đức và Pháp, coi đây là một hành động chứng tỏ cả Moscow và Kiev đã sẵn sàng cho đối thoại. Đức và Pháp tuyên bố sẽ ủng hộ các nỗ lực của cả hai bên nhằm có được những tiến bộ cụ thể để chấm dứt xung đột ở miền Đông.
Quan hệ giữa Kiev và Moscow đã xấu đi từ năm 2014, khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và nổ ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Việc ông Volodymyr Zelenskiy đắc cử Tổng thống Ukraine hồi tháng 4 vừa qua đã mở ra hy vọng làm sống lại tiến trình hòa bình đã bị bế tắc lâu nay.