Những năm 1970 thế kỷ trước, gần đến trưa 30 Tết, chị thường bảo tôi chở ra chợ hoa Nguyễn Huệ để mua hoa về chưng trong ba ngày tết. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì những ngày trước đó, tôi biết chị đã “rảo” chợ hoa mấy lần. Năm nào cũng vậy, khi thì đi với bè bạn, khi thì đi với gia đình và đi với tôi là chỉ để mua về chưng.
Trước đó mấy ngày, tôi với chị đã đi chợ hoa Nguyễn Huệ. Như một tập tục, hơi cầu kỳ, sáng sớm chị lựa ra một cái áo dài thật đẹp trong tủ quần áo chỉ có mấy cái áo dài mà đa số là áo dài trắng để chị mặc đi học trường Gia Long hàng ngày. Hôm nay, chị lấy ra cái áo dài màu thiên thanh duy nhất và tất nhiên là đẹp. Chỉn chu xong xuôi trước gương, chị vâng lệnh mẹ, dẫn theo thằng em là tôi, vừa phụ chị mang xách, vừa ý ngầm bảo vệ chị khỏi sự chọc ghẹo của mấy tên cao bồi du đãng mặc áo chim cò, quần ống túm, giả vờ chen chúc để tảo thanh những bông hoa. Khi tôi thắc mắc tại sao đi chợ hoa phải mặc áo dài, phải diện như vậy, chị đáp khẽ khàng: “Đi chợ hoa phải đẹp vì chợ hoa là chợ của hoa”. Phà ơi… lúc đó cái đầu đất sét của tôi hiểu gì thì cho tôi chết đi nha.
Năm nào cũng đi chợ hoa nên tôi cũng rành khu chợ hoa này thuộc loại vào hàng sáu câu “vặn cổ bù lon”. Con đường Nguyễn Huệ, mà ba tôi thường gọi là đường Sạc-ne (Charner) bắt đầu từ bồn phun nước vốn có “cựu danh” là Bồn Kèn chạy đến tận bờ sông Sài Gòn, tập trung cơ man nào là hoa - được các nhà trồng hoa thuê xuồng, ghe chở từ lục tỉnh rồi hạ neo tại đây. Tôi thì chẳng mê hoa nhưng cũng biết phân biệt được vài loại như mai, cúc, vạn thọ. Hướng dương thì vàng rực, còn đỏ chói thì có mồng gà, hồng; đại loại như vậy. Phà ơi, phải công nhận là rực rỡ sắc màu chói lọi…
Trong khi chị tôi đang đi tìm những chậu hoa tươi, tôi bèn phú lỉnh đi dọc theo hai con đường nhỏ bên hông các ki-ốt. Các ki-ốt này ngày thường cũng bán hoa nhưng trong những ngày giáp tết thì nhường lợi thế lại cho các nhà vườn. Hàng năm mới có một lần, giống như lời hẹn hò một năm cho hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng thiếu nữ, các loại hoa cùng chen đua sắc với các cô gái đẹp như tiên giáng thế từ các ngả đường Nguyễn Thiệp, Ngô Đức Kế, Phủ Kiệt (nay là Hải Triều). Nhắc đến đường Phủ Kiệt mới nhớ chính con đường này có thể là khởi thủy của con đường hoa Nguyễn Huệ - thời Pháp mang tên Rue aux Fleurs - nằm sau lưng Nhà Đoan (sau này là kho bạc) được mở sau khi con kênh chợ Vải bị lấp vì ô nhiễm nặng.
“Con kênh chợ Vải và hai con đường hai bên bờ kênh sau khi bị lấp biến thành con đường Charner vào năm 1887. Nhưng có lẽ không khoái gọi tên viên đô đốc cai trị thành phố, người dân vẫn hay gọi là đường Kinh Lấp. Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên con đường này thành đại lộ Nguyễn Huệ. Con đường Rue aux Fleurs là một nhánh đâm ngang đường Kinh Lấp, được người Pháp quy hoạch thành một con đường bán hoa có nhiều ki-ốt. Con đường Rue aux Fleurs nhỏ, chật hẹp nên khi các quan chức Pháp đi ô tô đến mua hoa chen chúc thì con đường càng trở nên nhỏ bé. Thấy con đường Charner rộng rãi, chính quyền thành phố bèn cho mở một số ki-ốt bán hoa dọc hai bên lề đường nhỏ. Bỗng dưng khu này trở thành nơi cung cấp hoa tươi xứ lạnh Đà Lạt cho những gia đình thượng lưu Pháp cũng như Việt. Rồi vào dịp tết ta, ghe thương hồ chở hoa từ các nhà vườn neo đậu bán dọc bến sông đầu đường Charner. Dân Sài Gòn chen nhau ra đó mua hoa tươi về chưng tết. Thấy nhu cầu mua hoa tươi cúng ông bà, chưng đẹp nhà cửa của người dân trong những ngày tết là chính đáng nên Xã Tây thành phố đã cho phép mở chợ hoa trên con đường Charner từ ngày đưa ông Táo đến trưa 30…”. Ấy là ba tôi giảng giải cho tôi hiểu sau khi ông đã tham khảo sách tây ta đâu đó trong cái tủ sách cũ xì cũng ngang ngửa tuổi ông.
Phà ơi, sao mà đen nghịt những người, những xe. Người đâu mà lủ khủ khiêng từng chậu mai, chậu quất ra những chiếc xích lô đạp đang đợi sẵn phía đầu đường. Tôi có cảm tưởng như họ đang chen chúc đi, chen chúc cười, chen chúc nói. Khi tôi đi ngang ngửa dọc hai con đường nhỏ bên chợ hoa để xem những ki-ốt bán băng nhạc, báo mới hay những cửa hàng đồ chơi, thực phẩm thì chị tôi đã gặp được những cô bạn gái của mình cũng xúng xính trong những chiếc áo dài mini tay raglan thời thượng. Các “bà” nhí nhảnh đứng làm dáng bên những cành mai vàng rực chụp ảnh trước những cái nhìn ngưỡng mộ của một vài thằng cha đàn ông đã thoát khỏi tay các bà vợ khi các bà đang trả giá với những chủ hàng hoa.
Càng lúc chợ hoa Nguyễn Huệ càng đông. Những ngày trước tết, có hai nơi người đi chợ tết thường tập trung mua sắm là chợ Bến Thành và chợ Nguyễn Huệ. Một ngôi chợ mua sắm những thứ lo cho cái phần “hình nhi hạ” của thân thể. Ngôi chợ khác - chợ hoa Nguyễn Huệ là lo phần “hình nhi thượng”, phần tâm linh của con người trong những ngày tết, chọn hoa tươi, tên đẹp như mai, hồng, cúc, vạn thọ để hy vọng cả gia đình được may mắn suốt năm. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ không chỉ để mua hoa mà còn ngửi cả được không khí tết bắt đầu tràn về, chiếm lĩnh trong từng mảnh nhỏ tâm hồn con người. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ như đi giữa một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ hàng năm như đi tìm lại cái truyền thống hưởng thụ văn hóa của người Sài Gòn xưa khi tết đến “một chung trà bên cạnh một bình hoa, một nhành mai”…
Năm nay, “tết mùa Covid”, như bao người Việt đang ở nước người, chị tôi không về lại TPHCM được. Chị đã viết mail cho tôi: “Năm nay, TPHCM có đường hoa không em, chị nhớ đường hoa Nguyễn Huệ quá đi. Mỗi khi tết chị lại nhớ đến đường hoa và mỗi khi có đường hoa, chị biết là tết đã đến”. Chợ hoa - đường hoa Nguyễn Huệ tính từng năm tuổi của chị, từng năm hắt hiu nhớ nhà, quê xưa. Tôi biết, không chỉ với chị tôi mà đối với rất nhiều người Sài Gòn - TPHCM, chợ hoa - đường hoa Nguyễn Huệ không chỉ là một con đường chỉ có hoa bán cho người chơi trong dịp tết, mà nó còn là hình ảnh của ngày xưa, quá khứ của kỷ niệm trong mỗi con người.