Sáng 27-5, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, Chi cục Thú y vùng 3 đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm mẫu heo được lấy trên kênh thủy lợi N9, qua địa bàn xã Thạch Lạc. Kết quả xét nghiệm xác định dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi ASF.
Ngay sau khi có kết quả mẫu heo có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, chính quyền huyện Thạch Hà và các địa phương nơi có tuyến kênh thủy lợi N9 chảy qua, đã cấp bách triển khai đồng bộ xử lý tiêu độc khử trùng khu vực và các biện pháp phòng, chống nguy cơ dịch lây lan. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền người dân trên toàn địa bàn để chủ động triển khai công tác phòng ngừa.
Theo cơ quan chức năng huyện Thạch Hà, trước khi có kết quả mẫu heo vứt trên kênh thủy lợi N9 dương tính với dịch tả heo châu Phi nói trên thì tại địa bàn huyện Thạch Hà chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi.
Như Báo SGGPO đã đưa tin, trước đó vào tối ngày 24-5, người dân phát hiện số lượng lớn heo đã bị chết bốc mùi hôi thối được đựng trong các bao bì và không đựng bao bì vứt trôi nổi lềnh bềnh trên tuyến kênh thủy lợi N9, đoạn chảy qua địa bàn thôn Thanh Sơn, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, nên trình báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Ngay trong đêm, cơ quan chức năng huyện Thạch Hà có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, làm rõ. Qua kiểm tra xác định tổng số heo bị chết vứt trôi nổi trên kênh thủy lợi N9 này có khoảng 25-27 con, mỗi con cân nặng khoảng 20-40kg. Số heo chết này sau đó đã được xử lý tiêu hủy.
Hiện các cơ quan chức năng huyện Thạch Hà đang phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn tiến hành xác minh, để làm rõ nguồn gốc hàng chục xác heo bị chết vứt trôi nổi xuống kênh thủy lợi N9 nói trên.
Tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại 2 hộ dân ở địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý tiêu hủy hàng chục con heo bị bệnh dịch. Đồng thời, đã và đang triển khai đồng bộ, cấp bách các biện pháp tiêu độc khử trùng vùng bị dịch, ngăn chặn, phòng ngừa dịch nguy cơ có thể lây lan diện rộng. |