Phát hiện chấn động của NASA vừa được đăng trên Tạp chí Nature Astronomy ngày 26-10. Theo đó, ở nghiên cứu thứ nhất, nhờ sử dụng kính viễn vọng với bước sóng cao hơn, các nhà nghiên cứu của đài thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu (SOFIA) của NASA đã phát hiện ra nước gần miệng núi lửa Clavius, một trong những miệng núi lửa lớn nhất của Mặt trăng và có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái đất.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Casey Honniball, họ đã phát hiện ra nước có tỷ lệ 100-400 ppp, gần tương đương với một chai nước 12 ounce (350ml) trong một mét khối đất Mặt trăng. Các nhà nghiên cứu cho rằng nước “ẩn” trong các hạt khoáng trên Mặt trăng để tránh điều kiện khắc nghiệt của khí quyển. Đây không phải là những vũng nước mà là những phân tử rải rác chưa hình thành nên băng đá hay nước lỏng. Đài thiên văn SOFIA vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về cách nước được tạo ra, lưu trữ và dịch chuyển ở người hàng xóm vũ trụ gần nhất của Trái đất.
Trong khi đó, nghiên cứu do nhà khoa học Paul Hayne dẫn đầu tập trung vào các vùng cực của Mặt trăng, nơi chưa bao giờ được Mặt trời chiếu sáng và có nhiệt độ xuống dưới -160 độ oC. Dựa vào các dữ liệu thu thập, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những vùng chưa từng được biết đến này có thể chứa băng đá, đồng thời ước tính xấp xỉ 40.000km2 diện tích bề mặt Mặt trăng có thể chứa nước.
Hai công trình nghiên cứu trên được xem là một phát hiện bước ngoặt cho tương lai khám phá không gian vũ trụ của loài người. Từ đó, các nhà du hành vũ trụ cũng như tàu không gian có thể tận dụng lượng nước này để làm nguồn nước uống hoặc nhiên liệu, phục vụ cho mục tiêu dài hạn bao gồm việc thiết lập một trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng để có thể thực hiện nghiên cứu và cuối cùng vươn tới các mục tiêu xa hơn như Sao hỏa.