Mặt trận phản biện Chương trình giáo dục phổ thông mới

LÂM NGUYÊN

(SGGP).- Như tin đã đưa, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện đã được thông qua Hội đồng thẩm định, dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đã hoàn thành và sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9-2017. Vừa qua, Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục và môi trường (HĐTV) của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện dự thảo Chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD-ĐT.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: mattran.org.vn

Theo Chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD-ĐT, hệ thống các môn học được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Chương trình GDPT cụ thể hóa mục tiêu GDPT, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, cho biết, điểm mới trong phương pháp xây dựng chương trình là vận dụng phương pháp sơ đồ ngược, dựa trên bối cảnh thời đại, nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu GDPT, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời về mức độ đạt chuẩn chương trình của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, đảm bảo sự tiến bộ của từng học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điểm khác biệt lớn nhất ở THPT là học sinh học những môn bắt buộc và những môn tự chọn theo tinh thần giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Phản biện dự thảo chương trình, bày tỏ quan điểm của mình, GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm HĐTV, cho rằng, đổi mới căn bản và cải cách giáo dục là một, chỉ khác nhau về cách gọi. Thực chất của cải cách giáo dục là cải cách về chương trình, đó là việc chính yếu nhất. Trước đây, quan niệm chương trình rất đơn giản, chủ yếu là những nội dung được sắp xếp trước sau với một lịch trình về thời gian nhất định. Đó là quan niệm chương trình theo cách tiếp cận nội dung. Lần này, trong đổi mới chương trình phải có cách tiếp cận khác, tiếp cận mới, tiếp cận việc xây dựng phẩm chất và phát triển năng lực. “Mấy năm nay ta thường nói là phát triển năng lực người học. Nói vậy không sai nhưng chưa đủ vì còn phải phát triển cả năng lực của người dạy nữa. Đó là kết quả của sự tương tác giữa thầy và trò với phương pháp sư phạm mới là tôn trọng tư duy độc lập của học sinh. Thầy không phải nắm độc quyền “chân lý” rồi cứ thế áp đặt theo kiểu bề trên chỉ xuống, bắt phải thuộc lòng và ghi nhớ đầy đủ để nói và viết theo, không được sai câu chữ. Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng và cùng đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, đối với giáo dục đời sống và giáo dục công dân, hiện nay các trường phổ thông đang bận rộn dạy kỹ năng sống với 200.000 - 300.000 học sinh. Nhưng chúng ta rõ ràng không thành công theo hướng giảng đạo đức, thay vào đó phải thay đổi phương pháp theo hướng kể chuyện cho các em nghe. Những câu chuyện sẽ hướng các em tới những tình huống cụ thể hơn là giảng đạo đức. Vì vậy, muốn giáo dục đạo đức tốt phải đi kèm với các hoạt động ngoại khóa và những người dạy đạo đức phải có đạo đức, phải là tấm gương cho các em nhìn vào.

Theo GS Nguyễn Khang, thành viên HĐTV, chương trình và nội dung GDPT cần phải được triển khai theo 3 bước liên hoàn: chương trình khung - chương trình môn học - sách giáo khoa. Trong đó chương trình khung sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống GDPT gồm con người và cơ sở vật chất. Việc học nghề để lấy điểm khuyến khích khi thi phổ thông hiện nay là không đúng mục đích. Hàng năm học sinh lớp 9, lớp 12 đua nhau đi học nghề và thi nghề phổ thông chỉ để kiếm từ 1 - 2 điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc xét tốt nghiệp THPT. Không có học sinh nào thích và theo cái nghề đó. Nếu bỏ điểm khuyến khích nói trên sẽ không một học sinh nào đi học nghề và thi nghề phổ thông. Chương trình mới cần phải khắc phục điểm này. 

Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết sẽ tập hợp những ý kiến phản biện và gửi Bộ GD-ĐT để hoàn thiện dự thảo chương trình trước khi công bố chính thức.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục