Ngày 15-7, tại Hà Nội, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chủ trì hội nghị xin ý kiến góp ý của các cơ quan ở Trung ương vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Đến nay, cả nước đã hoàn thành Đại hội cấp xã, cấp huyện. Đã có 37 tỉnh, thành phố tổ chức xong Đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh. Đến hết tháng 7-2019 sẽ hoàn thành tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố. Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 19-9-2019 tại Hà Nội.
Chiều 15-7, góp ý vào dự thảo lần 4 của báo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, các đại biểu đều chung ý kiến mặt trận cần đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết và các tầng lớp nhân dân; nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới..
Xuất phát từ thực tế hiện nay khi tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến dai dẳng, phức tạp, ông Đỗ Văn Đương, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng báo cáo chính trị cần làm rõ vai trò của Mặt trận các cấp khi trực tiếp tham gia vận động nhân dân, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương.
Mặt trận phải là trung tâm lắng nghe ý kiến nhân dân, cán bộ Mặt trận phải làm “yên dân”, chính vì vậy báo cáo chính trị phải thể hiện được hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua kênh Mặt trận, từ đó khẳng định được vai trò phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan Nhà nước, góp phần bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất, cần làm rõ vai trò của Mặt trận trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc trong nhân dân và hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là tham gia giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Mặt trận cũng cần nghiên cứu, đưa ra những dự báo về tác động của cách mạng công nghiệp tới quá trình đô thị hóa thành thị và nông thôn hóa thành thị, phải làm rõ tác động của Mặt trận đối với những vụ việc nổi cộm trong nhiệm kỳ qua.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị, văn kiện phải đánh giá được tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân, đánh giá được những thuận lợi khó khăn, nhận diện được những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm, từ đó xác định được mục tiêu và chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.
Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 bên cạnh việc tham gia phát triển kinh tế thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, cần thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong tham gia vận động xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, từ đó có các phương pháp vận động sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, song song với việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Mặt trận cần có những giải pháp trong vận động nhân dân xây dựng văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Mặt trận phải xuất phát từ trong dân, phải đánh giá được lòng dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, báo cáo chính trị cần làm rõ hơn vấn đề này.