Nội dung thảo luận tập trung đề xuất những nội dung nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác mặt trận trong nhiệm kỳ tới; đề xuất, kiến nghị những nội dung nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Đặc biệt, đại hội đã tiến hành thảo luận sâu hơn về Chương trình 4: “phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”. Đây là chương trình bổ sung, mới so với nhiệm kỳ trước của mặt trận.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ TPHCM triển khai hiệu quả, sáng tạo mô hình khu dân cư “đoàn kết - nghĩa tình - tự quản”, nhằm phát huy những yếu tố đặc thù về văn hóa, xã hội của TPHCM, với phương châm khu dân cư vững mạnh là cơ sở, nền tảng và là động lực để xây dựng thành phố phát triển.
“Những kết quả đạt được hết sức tích cực thời gian qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các khu dân cư tự quản không chỉ đơn thuần là một phong trào, mà còn là một quá trình tạo dựng môi trường sống bền vững và gắn kết cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu.
Đề cập đến vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nhìn từ văn hóa cổng làng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, những giá trị của văn hoá cổng làng đã dần thay bằng văn hóa cổng vào internet, những phong tục tập quán ngàn đời, giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước những sự biến đổi và thách thức.
Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian đô thị thì môi trường sống, tài nguyên thiên nhiên, đất trồng trọt, làng mạc dễ bị tổn thương; những giá trị văn hóa vốn là chất keo bền chặt gắn kết các thế hệ trong gia đình và làng xóm với nhau, đã dần mai một.
“Đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, yếu tố văn hóa không thể tách rời và phải là cái nôi để phát triển”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, mô hình khu dân cư “đoàn kết - nghĩa tình - tự quản” tại TPHCM đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, phối hợp cùng chính quyền địa phương; góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của từng vùng, từng cộng đồng dân cư.
Do đó, cần sớm có hướng dẫn xây dựng mô hình chung khu dân cư tự quản, nhân rộng nhằm thể hiện khát vọng chung tay giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, hình thành sức đề kháng hữu hiệu cho mỗi cộng đồng dân cư, tạo nên sức mạnh nội sinh của cả dân tộc.
Cũng tại phiên thảo luận, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất giải pháp phát huy trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường. Ông cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, mặt trận cần phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc để đóng góp cho Đảng, xây dựng đường lối để Đại hội Đảng sắp tới thực sự là kim chỉ nam chấn hưng đất nước.
"Nhìn rộng ra kinh nghiệm từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... đều phát triển từ khoa học công nghệ; chỉ công nghệ cao mới tạo ra giá trị cao, có tính chất tác động toàn cầu. Để làm được điều đó, cần huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó phát huy thế mạnh của mặt trận, tập hợp được đội ngũ kiều bào”, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.
Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, MTTQ phải là một trong những kênh thu hút nhân tài để thực hiện sứ mệnh đó, phải tập hợp được "nguyên khí của quốc gia" trong mặt trận. Mặt trận cần đẩy mạnh tư vấn với Đảng, Nhà nước, phản biện, góp ý xây dựng chính sách để thực hiện được mục tiêu đó. Song song đó, đẩy mạnh các phong trào, khuyến khích người dân, đặc biệt là người trẻ tích cực học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hoạt động của mặt trận thực sự có chất lượng, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở để thích ứng với yêu cầu thời kỳ mới. Bởi, đây là đội ngũ cán bộ gần dân nhất, lắng nghe dân và truyền tải đến với Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã mong muốn: "khi dân cần mặt trận có, khi dân khó mặt trận sẵn sàng tham gia". Nếu không dựa vào đội ngũ cán bộ mặt trận ở cơ sở, thì khi khó, sự tham gia của mặt trận sẽ không kịp thời.
Ông Võ Thanh An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ, nhất là cơ sở chưa đồng đều, dẫn đến hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội nhiều nơi chưa rõ nét. Tư tưởng ngại va chạm, né tránh trong thể hiện quan điểm chính kiến của mình trong một số ít cán bộ cơ sở vẫn còn xảy ra.
Do đó, để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên đạt hiệu quả, chất lượng hơn trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên. Cần cơ chế ưu đãi, thu hút đối với cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ các cơ quan, ban ngành, cơ sở sang làm công tác mặt trận…