Tuy nhiên, thực tế đạt được không như kỳ vọng. Làng nghề vẫn ô nhiễm nặng nề, trong khi nhiều cụm công nghiệp lại chưa thu hút được các cơ sở sản xuất vào, mà còn nảy sinh các vấn đề vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng và chưa giải quyết được triệt để ô nhiễm môi trường.
tràn ngập rác thải nhựa và nhựa phế liệu
Khói bụi, khí độc bủa vây
Trong các làng nghề lâu đời ở miền Bắc thì Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được biết đến là một trong những làng nghề tái chế nhôm có “thâm niên” với quy mô rất lớn. Tới Mẫn Xá một ngày đầu hè, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự sung túc, giàu có của người dân nơi đây. Gọi là làng nghề nhưng trong thôn hầu hết đều là những ngôi nhà 4-5 tầng, thậm chí có không ít hộ xây biệt thự hoành tráng như lâu đài. Nhưng, đi cùng với đó là bầu không khí đặc quánh khói bụi và mùi khét lẹt nồng nặc đến nghẹt thở của những lò nấu nhôm, thiếc thủ công.
Dọc con đường “xương sống” của xã Văn Môn chạy trước chùa Mẫn Xá, xe tải, container tới chở phế liệu và lấy hàng đông nườm nượp. Theo chính quyền địa phương, cả làng Mẫn Xá có khoảng 300 cơ sở sản xuất tái chế nhôm để nấu phôi bán cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, chưa tính hàng trăm cơ sở tái chế phế liệu, vì thế chất thải xỉ nhôm từ các cơ sở sản xuất rất lớn, khiến các điểm tập kết rác thải nhôm tại đây luôn quá tải.
Dẫn chúng tôi ra khu bãi đổ xỉ nhôm ở trung tâm xã, bà Trần Thị Hòa (55 tuổi, người làng Mẫn Xá) cũng không nhớ là khu vực đổ thải này xuất hiện từ khi nào, chỉ biết qua từng năm, “núi” rác là các bao tải bã xỉ nhôm và chất rắn khác ngày một cao và rộng hơn, chiếm gần hết ruộng vườn sản xuất. Bà Hòa ngao ngán: “Giờ cả làng không có nơi thu gom, đổ thải tập trung sát ngay khu dân cư, nên tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng”. Qua tìm hiểu, tại Mẫn Xá hiện có 2 bãi đổ thải lớn và một số khu vực đổ thải nhỏ lẻ nằm ngay giữa làng với diện tích hàng chục ngàn mét vuông. Chỉ đi bộ dọc trục đường giao thông liên thôn, liên xã hoặc đứng sát bãi đổ bã xỉ nhôm khoảng 5-10 phút, bột thải từ quá trình cô đúc nhôm sẽ bám vào da tay, da mặt một màu nâu khiến vô cùng ngột ngạt, khó thở.
Theo chính quyền địa phương, mỗi năm ở Mẫn Xá có hàng trăm, hàng ngàn tấn xỉ nhôm không được xử lý hoặc chưa qua xử lý được người dân mang ra đổ ngay xung quanh làng, cứ chỗ nào có đất trống, ao hồ là người dân đổ, khiến nơi đây trở thành những bãi rác công nghiệp khổng lồ. Người dân nơi đây ngày đêm phải sống chung với cảnh môi trường ô nhiễm trầm trọng, rác thải, khói bụi bủa vây, bóp nghẹt cuộc sống, sức khỏe từng ngày, từng giờ.
Nỗi lo bệnh tật, đau ốm
Khệ nệ bê từng cục phế liệu được ép từ các vỏ lon bia, nước ngọt cho vào lò nấu, anh Nguyễn Minh Tú (32 tuổi), một người dân làng Mẫn Xá, chia sẻ: “Thực sự, người dân làng nghề chúng tôi thu nhập rất khá nhưng đổi lại đau yếu, bệnh tật triền miên nên kiếm được nhiều thì tiền chữa bệnh cũng tiêu tốn lắm! Bởi nhôm phế liệu muốn hóa lỏng thì khi nấu phải cho một số hóa chất vào. Khi sức nóng lên tới hàng ngàn độ, các loại hóa chất đều cháy tạo ra nhiều khí độc mà chúng tôi quanh năm phải hít nên đâu có được khỏe mạnh, thậm chí nhiều người trong làng còn chết sớm vì ung thư”.
Lần giở cuốn sổ theo dõi số người tử vong hàng năm tại xã Văn Môn, bác sĩ Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Môn cho biết, cả xã Văn Môn có khoảng 12.000 người dân, hầu hết đều làm nghề nấu nhôm và thu gom, tái chế phế liệu nên ô nhiễm môi trường không chỉ riêng Mẫn Xá mà ở cả các thôn Quan Độ, Quan Đình, Phù Xá. Qua theo dõi tình hình sức khỏe của người dân trong xã, chúng tôi thấy ngoài số người tử vong về ung thư còn nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, thần kinh và các bệnh ngoài da. Về bệnh ung thư, trong năm 2021, cả xã có 31 người chết, riêng 4 tháng đầu năm nay là 15 người. “Thực tế con số người chết vì ung thư mà trạm xá thống kê được cũng chỉ tương đối. Lý do là không ít gia đình có người mất nhưng họ che giấu, hoặc chỉ khai báo nguyên nhân chết vì bệnh tật, già yếu chung chung chứ không nói tới bệnh ung thư vì họ ngại hàng xóm, láng giềng dị nghị và còn liên quan tới các mối quan hệ trong cuộc sống, công việc làm ăn”, bác sĩ Nguyễn Văn Duy chia sẻ.
Rời Mẫn Xá, chúng tôi tới thôn Đông Mẫu (xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) - nơi nổi tiếng với nghề tái chế phế liệu nhựa. Theo chính quyền địa phương, tại Đông Mẫu có khoảng 200 hộ gia đình chuyên kinh doanh, sản xuất và tái chế phế liệu nhựa. Nhiều năm qua, từ việc tái chế phế liệu nhựa đã giúp các hộ dân ở đây có “nhà lầu, xế hộp” nhưng vẫn phải sống trong ô nhiễm nặng nề. Tại đây, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh những đống rác nhựa phế thải nằm khắp các đường làng, ngõ xóm, thậm chí ở ngay trong sân những căn biệt thự hoành tráng. Trong khi đó, nhựa phế thải được thu gom từ khắp nơi, với nhiều chủng loại từ các can, thùng dầu mỡ, bình ắc quy, vỏ các dụng cụ điện tử, cho tới các dụng cụ đựng chất độc hại như bao bì, vỏ thuốc trừ sâu, bơm kim tiêm, ống nghiệm, chai truyền dịch… rất nguy hại với môi trường và sức khỏe.
Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải từ công đoạn rửa và làm sạch nhựa đến quá trình xay nghiền nhựa được đổ trực tiếp ra cống, rãnh, ao hồ chung của địa phương, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, nguồn đất. Thống kê mỗi tháng ở Đông Mẫu tái chế khoảng 300-400 tấn nhựa. Ước tính, mỗi ngày, mỗi hộ tái chế nhựa thải ra môi trường hơn 5m3 nước thải nguy hại, chưa kể lượng nước thải do chăn nuôi và các nghề khác thải ra khiến môi trường ô nhiễm nặng. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, Đông Mẫu là khu vực làng nghề ô nhiễm nhất của tỉnh khi hàm lượng COD vượt 2,9 lần, BOD5 vượt 3 lần, TSS vượt 3,6 lần. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc bày tỏ lo lắng khi số người mắc các bệnh về hô hấp, tai mũi họng, mắt, da và thần kinh, ung thư ngày càng tăng do ảnh hưởng từ việc tái chế nhựa.
Trong khi đó, tại làng nghề thu gom ắc quy, tái chế chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), dù cuộc sống người dân khá sung túc nhưng lại bệnh tật và nhiễm độc triền miên nhiều năm nay. Nhiều người dân Đông Mai cho biết, trước tình trạng ô nhiễm, mấy năm gần đây, khu vực tái chế chì đã được xây dựng cách xa làng khoảng 3km. Thậm chí, nhiều cơ sở đã đầu tư cả hệ thống lọc không khí, nhưng khói bụi từ các lò nấu chì vẫn rất nồng nặc. Cùng với đó, nguồn nước, đất tại đây bị ô nhiễm chì từ lâu nay nhưng chưa được giải độc nên vẫn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân.
Đại diện Trạm y tế xã Chỉ Đạo cho biết, qua các nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, nhiều người dân địa phương, nhất là trẻ em, có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn bình thường 2-7 lần. Còn trong không khí, lượng chì đo được vượt tiêu chuẩn hơn 3 lần và trong nguồn đất và nước gấp gần 10 lần. Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ nhiễm độc chì dễ dẫn đến suy gan, suy thận, mất trí nhớ, sụt cân. Nếu ngộ độc nặng, trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Đối với người lớn bị nhiễm độc chì thường mất ngủ, đau đầu, thiếu máu và suy giảm sức khỏe, trí nhớ và năng suất lao động.