Không chỉ nóng chuyện khai thác trái phép khoáng sản, các mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn Tây Nguyên cũng xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát tài nguyên và thất thu thuế. PV Báo SGGP đã nhập vai “đầu nậu” quặng, tiếp cận mỏ khai thác vàng trái phép…
TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Khu rừng ở 3 xã Quảng Sơn, Đắk R’Măng, Đắk Ha (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) được mệnh danh là “tam giác vàng” bởi có trữ lượng vàng sa khoáng rất lớn. Tin đồn nhiều phu vàng trúng đậm làm dân “anh chị” các nơi đổ xô vào banh núi, gây cảnh hỗn loạn.
Câu chuyện ngắt quãng khi ông S. quăng thanh đá màu trắng to bằng bắp chân lên bàn. “Ngoài vàng, ở đây còn có cả đá thạch anh. Cái này tụi tôi đào xuống và thấy cả tảng dài, nhiều vô số kể… Các anh mua mỏ này được bao nhiêu, hợp lý tôi bán hết”, ông S. hất hàm nói. Để tránh nghi ngờ, chúng tôi nói sẽ cử người trong nghề vào đánh giá trữ lượng quặng, sau đó sẽ chốt giá...
Nhắc đến điểm mỏ lậu của ông S., Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo Nguyễn Tấn Dũng lắc đầu ngao ngán: “Chỗ khai thác đá này nằm ngay đất của ổng. Mặc dù chưa được cấp phép nhưng ổng đã đưa người, máy móc vào khai thác rồi. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu đưa máy móc ra ngoài, không được khai thác đá, thậm chí đã xử phạt hành chính, vậy mà họ vẫn hoạt động. Do thẩm quyền hạn chế nên chúng tôi sẽ có báo cáo lãnh đạo UBND huyện để xử lý triệt để mỏ đá này”.
Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Ngô Ngọc Tiến nói rằng, do địa bàn rộng, sát bên vị trí khai thác có hồ cá nên có thể có tình trạng lén lút khai thác, dẫn đến chưa kiểm soát kịp thời.
Có phép vẫn sai hàng loạt
Gặp nhiều người dân ở bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, ai cũng tỏ vẻ bất bình: “Công ty CP Phú Tài được cấp phép khai thác đá xây dựng ở mỏ đá bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp nhưng lại khai thác đá cây. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không ai xử lý. Họ cả gan làm ban ngày. Chắc có ai đó bảo kê hay sao mà công ty này dám lộng hành như vậy”. Xác minh từ lãnh đạo UBND xã Nhân Đạo, mỏ đá bon Pinao của Công ty CP Phú Tài đúng là chỉ được cấp phép khai thác đá vật liệu xây dựng.
Từ đỉnh đồi bon Pinao, phóng tầm mắt xuống cánh đồng, một công trường khai thác đá rộng khoảng 5ha. Lán trại của công nhân được dựng ngay đường vào mỏ đá nên việc tiếp cận mỏ đá khá khó khăn. Chúng tôi phải cải trang thành người đi câu cá, lội bộ vòng theo đường bờ ruộng gần 1km, vượt qua con suối nước sâu ngang bụng. Trèo lên một điểm cao cận mỏ đá, chúng tôi đã quan sát toàn diện hoạt động của mỏ đá này. Có thể thấy hàng chục điểm tập kết với hàng trăm cây đá bazan ngang từ 1-2m, dài từ 2-4m.
Bên dưới moong đá, 2 xe múc vẫn đang hoạt động. Một xe gí mũi đục vào thềm đá làm các cây đá khổng lồ lần lượt bị xé toang và đổ ầm xuống. Chiếc xe còn lại dùng gàu di chuyển những cây đá đến vị trí tập kết. Trước những tư liệu chúng tôi cung cấp, đại diện Sở TN-MT Đắk Nông khẳng định: “Việc cấp phép khai thác đá xây dựng mà đi khai thác đá cây là không được, sở sẽ cử người xuống kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”.
Trở lại với mỏ đá Cam Ly ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đứng từ xa đã thấy sự bất thường tại vị trí cấp phép khai thác đá cho Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng. Trèo lên điểm khai thác này, chúng tôi chứng kiến thảm thực vật mới bị đào xới, hàng ngàn khối đá đã bị móc ruột mang đi.
Trao đổi với Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng được biết, vị trí đào bới nhô lên trên đỉnh mỏ là nơi chủ mỏ đã khai thác ra ngoài phạm vi với tổng diện tích 980m2. “Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng vừa xử phạt 15 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp 107 triệu đồng, đồng thời buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện”, đại diện Sở TN-MT Lâm Đồng cho biết.
Cũng ngay ở trung tâm thành phố, hoạt động khai thác cát trên sông Đắk Blà đoạn qua TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cũng có nhiều sai phạm. Sở TN-MT Kon Tum cho biết, đã kiểm tra, phát hiện có 8 doanh nghiệp vi phạm với các lỗi như tự ý dùng phương tiện cơ giới đào đắp hố, đắp bờ ngăn dòng chảy của sông; sử dụng không đúng công nghệ và phương pháp khai thác; sử dụng đất phi nông nghiệp làm bãi tập kết cát sỏi nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; thực hiện không đúng các nội dung theo kế hoạch bảo vệ môi trường; sử dụng vượt phương tiện khai thác cát.
Theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng loạt dự án khai thác khoáng sản vi phạm bị xử lý. Trong đó, đã xử lý 18 trường hợp liên quan đến lĩnh vực đất đai (chưa thực hiện thủ tục thuê đất, tự ý chuyển đổi đất, lấn chiếm đất); 11 trường hợp không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tận thu khi chưa có phép, khai thác ngoài ranh giới; 9 trường hợp liên quan đến lĩnh vực vi phạm môi trường. Tổng số tiền phạt hơn 3,77 tỷ đồng. |