Nghịch lý thu - chi
Nguồn thu của các trường đại học tự chủ hiện nay đều do người học đóng góp phần lớn (không dưới 70%), nhưng thực tế cơ cấu chi của các trường dành cho phục vụ đào tạo sinh viên rất thấp.
Theo khảo sát mới nhất của Bộ GD-ĐT, nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ) - chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%. Nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18%. Thu nhập người lao động (bao gồm thu nhập tăng thêm, tiền thưởng... chiếm 2%.
Với cơ cấu chi như vậy, dễ thấy rằng nguồn kinh phí hiện tại của các trường đại học tự chủ đều do người học gánh nhưng chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, nên khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Trong khi đó, quỹ lương hàng năm tăng 13%, nhưng chi thuê giảng viên tăng 32%, cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh, gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm... Đó là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Nội dung mức chi cơ bản phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của đơn vị. Mặt khác, mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc, chức vụ Nhà nước quy định, trong khi không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên không có nguồn chi trả thu nhập tăng thêm.
Một nghịch lý đáng nói nữa là nguồn ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Tổng ngân sách cấp cho ngành giáo dục hàng năm tăng thấp hơn tốc độ tăng của các ngành khác và giảm cao so với mức độ giảm các ngành khác (năm 2020, tổng chi ngân sách tăng 7% nhưng ngân sách cấp cho ngành giáo dục chỉ tăng 6,6%; năm 2021, tổng chi ngân sách cả nước giảm 3,4% nhưng ngân sách cấp cho ngành giáo dục giảm 4,7%). Ngân sách Nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu - chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hàng năm, Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5%-15% chi thường xuyên nên các trường gặp khó khăn. Các khoản thu hoạt động dịch vụ giáo dục chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên không còn nhiều chênh lệch để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ đó cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy...
Cũng theo Bộ GD-ĐT, dù quá trình thực hiện tự chủ phải thực hiện yêu cầu bắt buộc là công khai minh bạch nhưng vẫn có một số tồn tại cá biệt như: thu vượt, thu các khoản thu ngoài chế độ quy định..., chi không đúng nguồn, chi dạy vượt giờ chưa đúng quy định.
Nhiều sai phạm
Trong giai đoạn thí điểm tự chủ, sau 1-2 năm thực hiện, một số trường bị phát hiện có sai phạm. Đơn cử như Trường ĐH Luật TPHCM được Chính phủ phê duyệt tự chủ năm 2017 (theo Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-4-2017). Thông báo số 556/TB-KTNN ngày 24-8-2018 của Kiểm toán Nhà nước kết luận Trường ĐH Luật TPHCM đã có nhiều sai sót, bất cập, hạn chế. Về tình hình hoạt động thu, chi sự nghiệp và dịch vụ: nhà trường thu học phí vượt định mức quy định 6.870 triệu đồng (năm học 2016-2017 thu vượt 5.311,3 triệu đồng, năm học 2017-2018 thu vượt 1.558,7 triệu đồng). Tiếp đó, năm 2019, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cho thấy trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng hợp đồng lao động của các đơn vị thuộc và trực thuộc trường đã chưa đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, quy trình thực hiện chưa đầy đủ, dẫn đến có 4 hồ sơ viên chức xét tuyển đặc cách không đủ điều kiện theo quy định; cá nhân tự ý sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ các cá nhân, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; công tác tuyển sinh, đào tạo có nhiều sai phạm (phối hợp với 14 đơn vị để tổ chức tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ đối với 40 lớp ngoài trụ sở của trường chưa đúng quy định); sử dụng cơ sở vật chất để tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh chưa được sự cho phép của Bộ GD-ĐT...
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được thí điểm tự chủ năm 2017. Đầu năm 2018, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của trường về tuyển sinh, liên kết đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, việc tiếp nhận tiền tài trợ hơn 276.000USD (hơn 5,87 tỷ đồng) được chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không chuyển trực tiếp cho trường... Trong 1 năm, có 3 gói thầu trị giá hơn 13 tỷ đồng được thực hiện trong vòng 1 tháng và đều do một công ty trúng thầu, nhưng việc kiểm tra hồ sơ mua sắm có nhiều vấn đề, như chưa xác định rõ nhu cầu cần thiết phải đầu tư, lựa chọn nhà thầu không đúng quy định, không có báo giá của nhà thầu...
Tháng 10-2023, nhiều cán bộ, giảng viên của một trường đại học lớn tại TPHCM tự chủ theo mô hình thí điểm từ năm 2008 đã tố cáo những sai phạm của lãnh đạo nhà trường. Theo đó, phó hiệu trưởng đồng ý cho hai cá nhân dùng tài khoản cá nhân thu tiền sinh viên ở ký túc xá với mức từ 550.000-940.000 đồng/sinh viên (phòng 4 người). Từ năm 2018 đến năm 2023, nhà trường phối hợp với một đại học nước ngoài tổ chức ôn thi, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho hơn 1.000 sinh viên (học phí 12,5 triệu đồng/sinh viên/khóa) nhưng tiền không nộp về phòng kế hoạch tài chính của trường..., gây thất thoát gần 12,5 tỷ đồng. Vụ việc hiện đã được xử lý, nguồn tiền thất thoát sẽ được thu hồi để hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên.
Nhìn vào thực tế trên, nguyên hiệu trưởng một trường đại học tự chủ cho rằng: Điều dễ dàng nhận thấy nhất là sai phạm tại nhiều trường tự chủ thường tập trung ở vấn đề tài chính. Nguyên nhân là trước đây, khi trường nhận tiền từ ngân sách thì đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Khi tự chủ tài chính, do quy định có phần thoáng hơn nên dễ nảy sinh tư lợi và nhà trường tìm mọi cách để tăng thu. Thế nhưng, lãnh đạo nhiều trường quên rằng, tất cả các khoản đều phải công khai minh bạch, khi có dấu hiệu vi phạm và đơn tố cáo, kiểm toán Nhà nước vào cuộc thì tất cả sẽ phơi bày. Đây cũng là bài học và kinh nghiệm cho các trường khi thực hiện cơ chế tự chủ. Một điều khác cũng đáng quan tâm là các trường tự chủ có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng hiện nay nhiều trường vẫn còn thuê mướn cơ sở vật chất.
Đẩy gánh nặng cho người học
Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới về tài chính của giáo dục đại học Việt Nam, đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục đại học đã tăng đều đặn theo thời gian và hiện là nguồn thu quan trọng nhất của các trường đại học công lập. Khảo sát nhóm cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2021 cho thấy, đóng góp của hộ gia đình đã tăng từ 55% lên 77% và nguồn ngân sách Nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%. Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục đại học, gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn đối với học sinh, sinh viên từ các hộ gia đình khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, hỗ trợ tài chính cho sinh viên (bao gồm học bổng và các khoản vay dựa trên nhu cầu) có phạm vi bao phủ thấp, giá trị nhỏ và điều khoản trả nợ kém hấp dẫn. Việt Nam chưa có chương trình học bổng cấp quốc gia để hỗ trợ sinh viên đại học. Các trường đại học được hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên để cấp bù cho khoản học phí được miễn, giảm cho sinh viên trong diện ưu tiên (như dân tộc thiểu số, gia đình cựu chiến binh, thương binh, có công với cách mạng), nhưng những khoản miễn, giảm này còn quá thấp, chưa đủ để có ảnh hưởng tích cực đáng kể tới công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học.
Chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam quản lý là hình thức tín dụng sinh viên duy nhất hiện nay, nhưng quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp và giá trị khoản vay chỉ giới hạn ở mức đủ hoặc gần đủ để trang trải học phí cơ bản, dẫn đến tình trạng độ phủ ngày càng thấp. Số lượng sinh viên, học sinh thụ hưởng khoản vay ngày càng giảm dần, từ 2,4 triệu sinh viên năm 2011 xuống 725.000 sinh viên năm 2017 và chỉ còn 37.000 sinh viên trong năm 2021.