Căng sức
Theo tờ báo của Trung Quốc, 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt đang hiện diện trong khu vực và đã có cuộc tập trận chung với Nhật Bản. Chiếc USS Ronald Reagan đang neo đậu tại cảng quân sự Yokosuka, Nhật Bản. Chiếc thứ 4, USS Abraham Lincoln, đã rời cảng San Diego hồi đầu tháng 2; còn chiếc thứ 5, USS George Washington, trong vài tuần nữa đến Yokosuka để thay phiên cho chiếc USS Ronald Reagan.
Giới quan sát nhận định, sự tập trung bất thường sức mạnh hải quân Mỹ cùng lúc tại một khu vực là tín hiệu răn đe cũng như trấn an các đồng minh trong khu vực mà Washington muốn phát đi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Nhà sử học người Mỹ Daniel Larison nhận định, dù việc triển khai này được cho là nhằm báo hiệu quyết tâm và cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, nhưng có thể dễ dàng khuyến khích các nước không mấy thiện cảm với Mỹ như Triều Tiên lao vào các cuộc biểu dương sức mạnh đáp trả.
“Cần nhắc lại rằng cách tiếp cận của Mỹ tại Đông Á vẫn là cách tiếp cận ưu tiên quân sự, vốn dĩ coi nhẹ và dành tương đối ít nguồn lực cho ngoại giao và lôi kéo về kinh tế”, chuyên gia Larison nói.
Việc triển khai đông đảo tàu sân bay ở Thái Bình Dương dường như là một nỗ lực để bù đắp cho việc Mỹ tiếp tục đầu tư quá mức các nguồn lực cho cuộc chiến ở Dải Gaza và các cuộc xung đột có liên quan ở Trung Đông trong 4 tháng qua. Nếu như việc phô trương sức mạnh này có thể làm hài lòng các chính phủ đồng minh, thì cũng có thể tạo cảm giác chung ở các nước thân thiện lẫn kém thiện cảm rằng Mỹ đang bị “căng” quá mức khi cố gắng đảm nhận nhiều nhiệm vụ cùng lúc.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng
Theo nhà sử học Larison, thói quen trấn an đồng minh thường xuyên có những cái giá phải trả, gồm cả việc khuyến khích các đồng minh phụ thuộc nhiều hơn và như vậy sẽ có nguy cơ gây ra các bất ổn ở khu vực rộng lớn, làm gia tăng nguy cơ leo thang căng thẳng.
Triều Tiên có truyền thống đáp trả các áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ từ chính những hành động khiêu khích của Washington. Trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng cảm nhận việc triển khai nhiều tàu sân bay đến Thái Bình Dương có phần nhắm thẳng vào nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể kết luận cần phải chứng tỏ năng lực thật sự của đất nước qua việc thử nghiệm thêm nhiều tên lửa, thậm chí có thể là một vụ thử hạt nhân mới.
Năm 2023, Triều Tiên đã có phản ứng giận dữ về việc tàu sân bay USS Ronald Reagan đến cảng Busan của Hàn Quốc. Nếu lần này có nhiều tàu sân bay cùng lúc tại các vùng phụ cận, Bình Nhưỡng có thể phản ứng mạnh hơn. Với việc Bình Nhưỡng trong vài tháng qua có những lời lẽ ngày càng gay gắt, một cuộc đối đầu mới giữa Mỹ và Triều Tiên có lẽ chẳng phải đợi lâu.
Theo giới quan sát, Mỹ khó thể cáng đáng thêm một cuộc khủng hoảng mới ở Đông Á cùng với nhiều cuộc xung đột khác mà nước này can dự vào. Cách tiếp cận quân sự quá mức trong vùng không phải là phương cách tốt để tránh xảy ra khủng hoảng. Việc hiểu rõ suy nghĩ của đối thủ và đưa ra những bảo đảm có thể làm họ tin tưởng mới là những việc Washington nên làm.