Mặt trái của công nghệ

Mặt trái của công nghệ

Đời sống càng hiện đại, cuộc sống càng hối hả khiến chúng ta càng phụ thuộc những phương tiện phục vụ. Nhưng việc quá dựa dẫm thiết bị công nghệ, các loại điện thoại thông minh đã khiến con người không chỉ lười ghi nhớ, lười suy nghĩ… mà còn cả lười nhìn nhau, lười đối thoại với nhau.

Bùng nổ thời kỳ công nghệ số

Internet đã tạo nên những bước tiến mạnh mẽ, cùng sự phát triển của điện thoại thông minh giúp liên lạc, giải trí và chia sẻ cảm xúc với mọi người khắp thế giới thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+, YouTube, Instagram… mà độ tuổi nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, với mức độ con người đang dần bị phụ thuộc điện thoại thông minh như hiện nay đang dẫn đến không ít hệ lụy rất đáng quan ngại.

Hình ảnh những người cầm điện thoại thông minh để vào Internet, tán gẫu cùng bạn bè hay chơi game, giải trí… đã quá quen thuộc. Thậm chí, có những nhóm bạn ngồi chung bàn nhưng hầu như không ai nói với ai mà thay vào đó là trò chuyện, bình luận trên Facebook, thỉnh thoảng mới có tiếng xì xầm, cười phá lên khi phát hiện điều gì độc, lạ mà bạn bè chia sẻ.

Ảnh minh họa

Sự phát triển các thiết bị có thể kết nối Internet đang làm thay đổi thói quen của giới trẻ hiện nay. Trong đó, điện thoại thông minh đóng vai trò chính trong việc sử dụng Internet tại nơi công cộng. Khoảng 8 trên 10 người duyệt web cho biết, họ có sử dụng điện thoại để lên mạng trong vòng 7 ngày trước. Ngược lại chỉ có 45,5% có sử dụng máy tính bàn để cập nhật thông tin trên Internet, với máy tính xách tay còn “hẩm hiu” hơn với chỉ 26,5%.

Chuyện bi hài thời đại số

Bên cạnh những tiện ích mà Internet nói chung và thiết bị di động thông minh nói riêng mang lại cho con người hiện nay thì song song đó là những câu chuyện đáng buồn.

Anh Đặng Ngọc Minh (Q.Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ, do điều kiện gia đình tương đối ổn định nên con trai anh ngay từ mẫu giáo đã được cho làm quen và sử dụng thành thạo những thiết bị di động thông minh như iPad và iPhone. Nhưng điều đó lại gây khó khăn cho gia đình anh Minh khi con trai lên lớp 5. “Cháu là con trai duy nhất, nên cả nhà thương và chiều lắm, cháu đòi gì cũng có, không thua kém ai. Cháu nói bạn bè xung quanh ai cũng có điện thoại xịn để xài, để học nên cháu cũng muốn có. Thế là gia đình mua tặng cháu một iPphone 5, đâu ngờ việc có điện thoại làm ảnh hưởng trầm trọng việc học của cháu. Hầu như cháu dành hết thời gian để lên mạng, coi hướng dẫn chơi game trên YouTube, rồi có cả bạn gái... Gia đình tôi vô tình phát hiện mới tá hỏa”, anh Minh kể.

Anh Lê Minh Tài (39 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) rất thích các sản phẩm công nghệ. Anh sử dụng smartphone và chơi Facebook khoảng 3 năm nay và cho rằng đó là một công cụ hiện đại, giúp giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, smartphone đã khiến anh Tài và vợ nhiều lần “chiến tranh lạnh”. “Tôi sẽ không nhận ra smartphone và mạng xã hội ảnh hưởng như thế nào nếu không có những giọt nước mắt của vợ tôi. Những ngày mới cưới, tôi dành nhiều thời gian cho vợ. Sau này, khi sử dụng smartphone quá nhiều, chiếc điện thoại trở thành kẻ thứ ba trong hôn nhân của tôi. Mỗi khi tôi mải mê cầm điện thoại là câu chuyện giữa vợ chồng dừng ở đó. Đã vào Facebook thì hay đăng status, like rồi bình luận, trả lời bình luận… mất hàng tiếng đồng hồ. Dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Zalo khiến tôi giảm quan tâm vợ, và đôi khi… lười yêu. Vợ tôi giận dỗi nhiều lần, khóc vì nghĩ tôi quen ai trên mạng nên suốt ngày lên đó”, anh kể. Một thời gian, anh cũng nhàm chán những câu chuyện, hình ảnh trên Facebook, Zalo. “Từ câu chuyện của chính tôi và rất nhiều người có thể tan vỡ hạnh phúc gia đình, tôi đúc kết được rằng muốn hạnh phúc, hãy tắt Facebook”, anh chia sẻ.

Công cụ và gánh nặng

Vài năm nay, khi mạng xã hội, cụ thể là Facebook xuất hiện, tần suất sử dụng smartphone tăng đáng kể. Trương Thị Thùy Trang (26 tuổi, Q.9, TPHCM), cho biết: “Facebook là cách để tôi liên kết bạn bè, để giải tỏa tâm tư cũng như xả stress hay học tập để nâng cao kiến thức. Có thầy, cô tôi mất liên lạc do chuyển chỗ ở nhưng nhờ Facebook tôi đã nối lại được liên lạc, biết được cuộc sống, tâm trạng của họ phần nào. Và đôi khi có thể giúp họ vượt qua khó khăn mà nếu không có Facebook chắc chúng ta khó có thể làm được. Ngoài ra chúng ta có thể có thêm kiến thức thông qua những diễn đàn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tăng cơ hội có thêm nhiều bạn mới. Không những thế chúng ta có thể theo dõi được những hoạt động của bạn bè, của thần tượng hay những người thân thuộc ở quanh ta”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết kiểm soát sự phụ thuộc thiết bị công nghệ. Theo thống kê mới nhất của Facebook, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người dùng mạng xã hội này và mỗi người dành trung bình 2,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook.

Nhiều người bạn ngồi chung bàn nhưng đều vào facebook thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau

Thạc sĩ giáo dục - chuyên gia tâm lý Phạm Phúc Thịnh nhận định: “Những con số đó cho thấy một điều rất rõ là người Việt, đặc biệt giới trẻ, đang có quá nhiều thời gian rảnh, và có quá nhiều người “thất nghiệp” theo giờ. Rõ ràng, nếu quá bận rộn thì bạn sẽ không có nhiều thời gian lên Facebook, thậm chí bạn không có thời gian để lướt web. Việc có đến 17 triệu người sử dụng thiết bị di động để thường xuyên truy cập Facebook còn nói lên một thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay: con người cảm thấy cô đơn lạc lõng và không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn từ, bằng giao tiếp bình thường như trước vì nhiều lý do: ngại nói thẳng, không dám đấu tranh trực tiếp với những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, việc sử dụng Facebook còn cho thấy nhu cầu lớn của các bạn trẻ là được phát biểu, được người khác lắng nghe nên cần có những giải pháp tốt hơn “thế giới ảo” để giúp giới trẻ thỏa mãn nhu cầu đó. Trong cuộc sống ngày nay, nhiều người đang bị ngộ nhận bởi từ “cập nhật” (update) có nghĩa là phải biết mọi việc, mọi lúc, mọi nơi và thậm chí phải là người “bóc tem” thì mới được coi là sành điệu. Điều này, một phần lỗi từ việc truyền thông quá mức ý tưởng “người nắm được thông tin là người chiến thắng” trong các lớp kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh... vì thế, một bộ phận không nhỏ luôn lo ngại rằng nếu không nắm bắt kịp thông tin các sự kiện đang xảy ra trên thế giới xung quanh thì sẽ trở nên lạc hậu… Việc một người luôn “gắn bó” với các thiết bị số (tablet, smartphone...) khó đánh giá được là sự tự do hay sự lệ thuộc vì ranh giới rất mỏng manh. Có thể smartphone là công cụ cần thiết giúp công việc trôi chảy, nhưng cũng chiếc smartphone đó lại là gánh nặng cho người dùng khi lúc nào cũng phải nhìn vào màn hình. Thế nên tùy người đó sử dụng thiết bị như thế nào và trong trường hợp nào để biết được lúc đó người ấy đang bị lệ thuộc hay tự do”.

Nhìn bề ngoài, các thiết bị công nghệ dường như giúp con người gần nhau hơn, quan tâm nhau nhiều hơn. Nhưng nhìn sâu vào bên trong các mối quan hệ đó, sẽ nhận ra các thiết bị công nghệ đã vô tình đẩy con người xa nhau, làm con người suy nghĩ vội hơn, quyết định vội hơn. Và mọi chuyện trôi nhanh, không đọng lại điều gì to tát nữa.*

THỦY NGÂN - TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục