Trong bối cảnh lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ thông báo tiến hành cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có nhiều câu hỏi đặt ra: Cuộc cách mạng xanh có thể tồn tại? Với những điều kiện nào? Những câu hỏi này đáng được nêu lên khi hàng ngàn cây gỗ bấc tại Ecuador bị đốn hạ vô tội vạ chỉ để đổi lấy những chiếc quạt gió nhẹ. Cuộc đua năng lượng tái tạo cũng gây ra nạn ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác, chiết tách các loại đất hiếm - được biết đến là có lực từ trường cao - rất cần thiết cho việc sản xuất ra các động cơ quạt gió. Lấy ví dụ cho vấn đề này, tờ The Daily Telegraph (Anh) đưa ra những con số khá ấn tượng: động cơ cho chiếc quạt gió Haliade-X, cánh quạt dài 107m, có chiều cao tổng cộng 260m và năng suất đạt 12MW, được triển khai ngoài khơi nước Anh hiện nay, cần đến 7 tấn nam châm thường trực. 1/3 nguyên liệu cần thiết cho 1 thỏi nam châm cân nặng gần 650kg (để 1MW điện được tạo ra) là từ nhiều loại đất hiếm.
Khía cạnh tái xử lý chất thải cũng có nhiều vấn đề cần xem xét lại. Tạp chí The Atlantic (Mỹ) đặt câu hỏi: Ở mức độ nào, tái chế chất thải là hữu ích? Bởi với những vật liệu không thích hợp như nhựa và các cơ sở sàng lọc, chế biến chất thải vẫn chưa đạt chuẩn, việc tái xử lý chất thải có lẽ cũng chẳng hiệu quả cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Beth Porter, nhà nghiên cứu và tác giả một cuốn sách về môi trường, cảnh báo việc quá chú trọng vào tái xử lý chất thải có nguy cơ đánh lạc hướng sự chú ý của nhân loại về việc phải ưu tiên cái nào nên giảm và tái sử dụng.
Nhà kinh tế người Anh Daniel O’Neill đã từng kêu gọi thế giới bỏ mô hình phát triển hiện tại: GDP vốn được xem là chỉ số về sự thành công của kinh tế lâu nay cần được thay thế bằng chỉ số tiến bộ thực sự (GPI) để phát triển cân bằng hơn; áp dụng quy định cứng rắn trên phạm vi toàn cầu về sử dụng tài nguyên và các chính phủ phải thực thi nghiêm túc để đảm bảo rằng không khai thác tài nguyên quá mức, để tài nguyên được tái sinh an toàn. Và quan trọng hơn cả là nhận thức của con người về tiêu thụ phải thay đổi. Nhu cầu tiêu thụ và các xã hội hưởng thụ chính là “liều thuốc độc” đối với Trái đất bởi tiêu dùng càng lớn đồng nghĩa với tài nguyên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, các quần thể động và thực vật ngày càng bị tàn phá.