Ngày 27-9, tại Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28- 9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030”.
Phát biểu tại mít tinh, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn chủ yếu là chó tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng. Chính vì số tiền khá lớn nên nhiều người dân đã không đi tiêm phòng, dẫn đến hậu quả mỗi năm có khoảng 100 người tử vong do bệnh dại.
Trong khi đó, nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất 20.000-40.000 đồng/con nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn 1,5-2 triệu đồng/người.
Bên cạnh tổn thất về kinh tế, tổn thất về tính mạng, sức khỏe do bệnh dại gây ra đối với con người là rất lớn.
Tính từ năm 2005 đến năm 2016 trên cả nước có 1.055 người bị chết do bệnh dại. Trong đó tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại. Hầu hết các trường hợp tử vong tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên người và động vật còn thấp.
Trong khi đó, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vaccine dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.
Ông Thành cũng cho biết, Nghị định 90/ NĐ - CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15-9-2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vưc thú y đã nêu rõ, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Tuy nhiên, hiện mới có TPHCM ra quân bắt chó thả rông và tới đây TP Hà Nội cũng sẽ thành lập các đội bắt chó thả rông.