Nhiều sinh viên đã tin vào quảng cáo tờ rơi và bị sập bẫy, bị lừa mất tiền học kỹ năng tiếp thị bất động sản (BĐS).
Mất tiền học làm “cò” BĐS
Trần Thanh Tú (sinh viên năm 3 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) phản ánh: “Cách nay 3 tháng, tôi cùng một số bạn học đọc trên tờ rơi phát tại cổng trường, thấy rao tuyển nhân viên kinh doanh với điều kiện làm việc tốt, thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng, lại ưu tiên sinh viên. Chúng tôi đã gọi số điện thoại in trong tờ rơi để liên hệ. Tiếp điện thoại là một người tên Đại, tự xưng là trưởng group (nhóm) quận 2, 9, Thủ Đức của Sàn giao dịch BĐS V.V. (có văn phòng ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1). Đại hẹn gặp tại quán cà phê gần văn phòng để phỏng vấn. Tại quán cà phê, không chỉ có nhóm chúng tôi, mà có 8 bạn khác cũng là sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn TP. Đại cho biết hiện nhân viên của công ty đều có mức thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng, người nào chịu khó “cày” thì có tháng thu nhập tới 100 triệu đồng, nhưng trước tiên phải chịu đầu tư, bỏ một ít tiền học kỹ năng làm việc. Vì nghĩ thu nhập khởi điểm 8 - 10 triệu đồng/tháng thì bỏ ra vài triệu đồng học kỹ năng cũng đáng, nên mọi người đều hồ hởi xoay tiền đóng học. Nào ngờ bị lừa…”.
Sau một thời gian ra đường phát tờ rơi quảng cáo để môi giới bất động sản không lương, nhiều sinh viên đành phải bỏ việc, chấp nhận mất tiền học kỹ năng tiếp thị
Kết thúc 6 buổi học kỹ năng với học phí 3 triệu đồng, Tú cùng 5 bạn khác được giao cho nhiệm vụ đi theo Hùng (một “cò” đất đang bán dự án đất nền tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để thực hành. Sau 1 tháng làm việc, không thấy công ty nói ký hợp đồng, cũng không có lương, thắc mắc thì Đại cho biết nhóm của Tú hiện chỉ là cộng tác viên của sàn, nếu bán được nền thì mới được hưởng hoa hồng, chứ không có lương. Khi nào tốt nghiệp đại học, làm toàn thời gian, đã bán được ít nhất 2 nền mới đủ điều kiện ký hợp đồng lao động và được hưởng lương theo thỏa thuận.
Tú bức xúc: “Lúc đầu họ nói học kỹ năng xong sẽ ký hợp đồng ngay và có chế độ lương, thưởng cũng như hưởng hoa hồng theo doanh số. Vậy mà giờ lại nói chỉ được làm cộng tác viên, rồi đưa ra hàng loạt điều kiện mới được ký hợp đồng, đó chẳng khác nào họ lừa tiền học kỹ năng”.
Tương tự, Bùi Lệnh Đoàn, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở phía Nam, đường Lê Văn Việt, quận 9), cho biết thời gian gần đây có một số người lân la ở quán nước gần cổng trường để chào mời sinh viên làm nhân viên kinh doanh BĐS. Nhiều bạn đang làm phục vụ quán ăn, gia sư, bán hàng…, nghe lời chiêu dụ đã nghỉ việc để theo đuổi giấc mơ “thu nhập ngàn đô”. Sau vài tháng không trụ nổi, cuối cùng cũng đành bỏ ngang việc, vừa không có thu nhập lại bị mất tiền học kỹ năng.
Chiêu mới lừa sinh viên
Gọi vào số điện thoại mà Bùi Lệnh Đoàn cung cấp, tiếp máy chúng tôi là một người đàn ông tên Bình. Khi thấy chúng tôi nói muốn xin làm nhân viên kinh doanh BĐS, Bình hồ hởi tự giới thiệu mình là quản lý sàn giao dịch BĐS K.V. (có văn phòng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh). Hiện sàn đang có nhu cầu mở rộng thị trường nên cần tuyển thêm nhân viên kinh doanh và hẹn gặp chúng tôi ở quán nước để bàn công việc kỹ hơn.
Tại đây, Bình khoe: “Hiện nhân viên của sàn bên anh đều có thu nhập rất cao, trung bình mỗi người bán được 2 - 4 nền/tháng, thu nhập từ tiền hoa hồng 50 - 150 triệu đồng, nên không bao giờ nghĩ đến lương. Em làm một thời gian sẽ thấy, khi công việc vào guồng thì mình khỏe re, tự mối này mối kia giới thiệu, rồi khách tự kiếm mình, chẳng phải bỏ nhiều thời gian và công sức. Em vẫn có thời gian đi học, đi du lịch hưởng thụ”.
Sau đó, Bình đưa cho chúng tôi thông tin của một dự án tại đường Nguyễn Xiển (quận 9) và nói chúng tôi giới thiệu thử. Nghe xong, Bình lắc đầu bảo nếu không học thì không làm được nghề này và liệt kê cho chúng tôi 3 kỹ năng tiếp thị cần học gồm: kỹ năng tiếp thị khách hàng qua điện thoại, quảng cáo sản phẩm qua mạng xã hội và thuyết phục trực tiếp; kỹ năng đánh giá vị trí dự án; kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng… Học phí 2,5 triệu đồng/3 kỹ năng. Vì đã được cảnh báo nên chúng tôi lấy lý do chưa có tiền, xin khất lại dịp khác sẽ học. Bình cố thuyết phục chúng tôi về vay tiền người thân, bạn bè để học vì lúc này thị trường BĐS đang “sốt”, rất dễ để kiếm khách hàng tiềm năng. Thậm chí, Bình còn quyết định giảm giá học phí xuống 2 triệu đồng cho toàn khóa - vì “muốn tạo cơ hội cho sinh viên vượt khó”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cứ vài tuần Bình lại mở một lớp dạy kỹ năng kinh doanh BĐS cho các sinh viên và thanh niên chưa có việc làm, mong muốn kiếm tiền từ nghề làm môi giới BĐS.
Hiện nay không chỉ có Bình, Đại, mà có nhiều đối tượng bắt tay với các sàn môi giới BĐS, chuyên đi chiêu dụ sinh viên về làm nhân viên kinh doanh nhưng thực chất là họ vẽ thu nhập cao để thu tiền học kỹ năng của sinh viên. Với những người chịu đóng tiền học, sau khi kết thúc khóa học sẽ bị đẩy ra bán tại các dự án “khó nhằn” ở các tỉnh với tư cách cộng tác viên, nhằm tạo tâm lý chán nản mà tự bỏ việc. Đây là bài học cho sinh viên, việc gì cũng có giá của nó, không thể có công việc nhẹ mà lương cao như những lời quảng cáo. Rất mong cơ quan công an vào cuộc, xử lý những kẻ táng tận lương tâm, lừa tiền của sinh viên nghèo.