“Nhiều dự án ấn tượng, chất lượng tốt, vòng chung kết sẽ có nhiều kịch tính hấp dẫn” – ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định về cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL diễn ra sáng 10-12, tại Cần Thơ.
Theo đó, có 10 dự án vào vòng chung kết cuộc thi gồm: Mật thốt nốt Palmania; Hệ thống tự động điều khiển giải nhiệt cho nhà xưởng kết hợp qua smartphone; Phần mềm nhận diện bệnh trên gia cầm; Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay; Máy phun thuốc điều khiển từ xa; Gora – Máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng; TROPCA – Từ trái cây nhiệt đới Việt Nam; Sản xuất chế phẩm sinh học cải tạo đất vườn cây ăn trái lâu năm từ lục bình (Eichhornia crassipes) và một số phế phẩm nông nghiệp tại địa phương; Ba khía Đầm Dơi – Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương; Mắm Handicrafts.
Cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 nhận được tổng cộng 476 hồ sơ của hơn 1.100 thí sinh từ khu vực ĐBSCL (tăng 44% về số lượng so với năm 2019). Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: Nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, Môi trường, Du lịch, Sản xuất công nghiệp, Y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, VCCI Cần Thơ đã khởi xướng hình thành mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup Network). Thành viên mạng lưới được UBND tỉnh đề cử, là các sở ngành được giao nhiệm vụ hoạch định và thực hiện chương trình thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh. Đây là mạng lưới vùng đầu tiên của cả nước cùng nhau thực hiện phát triển doanh nghiệp mới thông qua việc thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ ĐBSCL.
Cuộc thi còn là cơ hội để các thanh niên, giới trẻ, những thí sinh tham gia cuộc thi được đào tạo, huấn luyện các kiến thức về tư duy kinh doanh trong thời đại mới, cách thức tìm ý tưởng kinh doanh sáng tạo, lập dự án kinh doanh, đồng thời được cố vấn bởi các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với khởi nghiệp ĐBSCL. Đặc biệt, những dự án khả thi, vào vòng trong của cuộc thi qua các năm đều được tư vấn, đầu tư và kết nối đầu ra cho sản phẩm hiệu quả.
Sau vòng chung kết, ngoài những giá trị về giải thưởng, VCCI Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều hoạt động kết nối các dự án khởi nghiệp này với các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, nhà đầu tư để tìm nguồn tài chính, cũng như tạo điều kiện nuôi dưỡng các dự án, phát triển sản phẩm và thị trường.