Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2021, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám - sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh, thông qua phần mềm FMS. Chi cục Kiểm lâm tỉnh được giao trách nhiệm vận hành và quản lý.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận đề xuất xây dựng thêm phần mềm giám sát hành trình trên điện thoại di động để phục vụ công tác tuần tra và giám sát, xác minh việc đi thực địa của các lực lượng giữ rừng. |
Ngày 2 và 16 hàng tháng, hệ thống phần mềm sẽ tự động giải đoán ảnh vệ tinh để phát hiện các điểm rừng bị thay đổi hiện trạng. Sau đó, hệ thống tự động gửi email và tin nhắn cảnh báo mất rừng, gồm vị trí, đối tượng rừng, số lượng điểm và diện tích bị mất… tới các cấp quản lý có liên quan. Nhận được thông tin, chủ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, thu thập dữ liệu, thông tin, cập nhật vào phần mềm rồi truyền về trung tâm dữ liệu tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh để có hướng xử lý kịp thời.
Theo báo cáo kết quả xác minh của các hạt kiểm lâm và các chủ rừng gửi về cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, sau 6 tháng đưa vào hoạt động, phần mềm đã phát hiện và gửi tin cảnh báo gần 1.100 điểm rừng bị thay đổi hiện trạng và hầu hết đã được xác minh với các nguyên nhân như: phá rừng, khai thác rừng trồng, lấn chiếm đất rừng…
Thạc sĩ Phan Văn Thưởng, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Ban đầu khi ứng dụng đi vào hoạt động, chúng tôi bất ngờ là chỉ cần 0,1ha rừng bị biến động là hệ thống đã cảnh báo”. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Mai Kiều, qua một thời gian thực hiện, việc cảnh báo của phần mềm trong việc giám sát tài nguyên rừng và đất rừng là hoàn toàn chính xác. Riêng việc xác định việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, cháy rừng…, dù là kết quả phát sinh, đã đạt được ngoài mong đợi. Nhờ triển khai xây dựng phần mềm, các cơ quan quản lý, chủ rừng đã ngăn chặn kịp thời các trường hợp tác động, cơi nới, xâm hại đến diện tích đất rừng.
Bình Thuận hiện có khoảng hơn 365.000ha rừng, phần lớn có địa hình đồi núi cao, bị chia cắt phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, bình quân mỗi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng ở địa phương phải tuần tra, giám sát, bảo vệ và cập nhật diễn biến 700ha tài nguyên rừng và mỗi cán bộ công chức kiểm lâm phụ trách khoảng 1.439ha nên khó tiếp cận, bao quát địa bàn. Do vậy, khi công nghệ ảnh viễn thám được ứng dụng, ngành kiểm lâm đã tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực và nhất là kịp thời cảnh báo việc mất rừng sớm.