Phát hiện và xử phạt nguội các hành vi vi phạm
Khi bà Mười hô hoán mất trộm, thôn Liên Bằng trích xuất camera an ninh ở thôn, phát hiện có người đàn ông bốc vội 100 bó củi chất lên xe tải, rồi nhanh chóng điều khiển xe rời khởi hiện trường. Hình ảnh truyền qua internet về Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) và đơn vị này đã gửi toàn bộ hình ảnh vụ việc và thông tin biển số xe đến cơ quan công an, xác định ngay Trần Xuân Trường (trú TP Huế) là thủ phạm.
Nhiều hành vi vi phạm trật tự đô thị và vệ sinh môi trường cũng bị phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát, do vậy UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng xử phạt nguội các hành vi vi phạm. 35 trường hợp vi phạm đã bị xử phạt nghiêm. Nhờ vậy, nạn xả rác xuống sông Hương gây ô nhiễm môi trường và phản cảm đã giảm hẳn.
Trung tâm IOC Thừa Thiên - Huế là IOC cấp tỉnh đầu tiên của Việt Nam, triển khai 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, gồm: phản ánh hiện trường, giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương, thẻ điện tử công chức - viên chức, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, giám sát an toàn thông tin, giám sát tàu cá. Trong đó, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền bằng điện thoại thông minh hoặc qua website của IOC, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Trung tâm IOC ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả được đăng tải để người dân có thể giám sát quá trình đến khi ra kết quả cuối cùng.
Người dân đồng hành chính quyền
Thượng tá Lê Viết Phương, Phó trưởng Công an TP Huế, chia sẻ: “Việc triển khai giải pháp phản ánh hiện trường qua Trung tâm IOC bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương và du khách ủng hộ cao. Nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nâng ép giá du khách… nhanh chóng được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý thông qua các thông tin, hình ảnh được người dân phản ánh. Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn. Trước đây rất khó truy tìm người gây tai nạn, nay thông qua hệ thống camera và hình ảnh người dân cung cấp, công an dễ dàng lần theo dấu vết, đưa các đối tượng ra ánh sáng”.
Ông Dương Đăng Khoa, Phó chủ tịch UBND phường Phú Hội, cho hay: “Hiện nay, khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần chụp ảnh gửi đến Trung tâm IOC để chính quyền các cấp tương tác, xử lý. Từ khi có phản ánh hiện trường, lãnh đạo phường mặc dầu xử lý vất vả hơn nhưng đằng sau việc xử lý rốt ráo các kiến nghị, người dân càng tin tưởng vào chính quyền hơn”.
Ở bàn chỉ huy Trung tâm IOC Thừa Thiên - Huế, rất nhiều chuyện đang xảy ra trên địa bàn TP Huế đều nhìn thấy rõ. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, giải thích: “Tất cả đều được giám sát, nhận diện, thống kê, phân tích bằng công cụ thông minh. Hiện các sở ngành, địa phương đều sử dụng công cụ thống nhất được đầu tư tại IOC để vận hành dịch vụ thông minh của ngành theo cơ chế phân quyền, chia sẻ. IOC sẽ phối hợp các ngành để tích hợp các dịch vụ thông minh cơ bản trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường... theo đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại Thừa Thiên - Huế, đến năm 2020, định hướng 2025.
Công cụ giám sát quan trọng nhất của “mắt thần” này là hệ thống 182 camera chất lượng cao được kết nối với hơn 300 camera của các phường xã, hồ đập thủy điện và các cơ quan nhà nước. Hệ thống camera này sử dụng hạ tầng, giải pháp phân tích hình ảnh dùng chung; đường truyền, hệ thống lưu trữ tập trung, giải pháp quản lý camera tập trung tại IOC.
IOC Thừa Thiên - Huế vừa đoạt giải dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại Telecom Asia Awards 2019. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ: “Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là xây dựng thương hiệu, mà còn hướng đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân”. |