Đó cũng chỉ là lý thuyết. Thực tế, mùa mưa, người làm nghề ăn ong (gác kèo ong) vẫn đi lấy mật. Tuy nhiên, mật ong rừng mùa mưa không ngon, không sóng sánh vàng mật nắng như mùa nắng hạn. Do có “nhiễm” nước mưa, nên hậu của mật ong mùa này có vị hơi chua, dù rất nhẹ.
Ở quê hồi đó (cái thời rất lâu rồi), quanh đi quẩn lại giữa hai bữa cơm sáng và cơm chiều chẳng có món gì “xen kẽ”. Cứ như thế, ngày này sang ngày nọ, ngoài hái ổi, hái khế chấm muối hoặc bình bát chín dầm đường, lâu lâu được mẹ cho chén cơm nguội chan mật ong là mừng muốn rơi nước mắt. Vì ngày xưa ít có ong nuôi lấy mật như bây giờ, đó là ong tự nhiên về “đóng tổ” trên chảng ba của cây mít sau vườn. Độ 20 ngày đến 1 tháng, cha tôi hun khói lấy mật một lần, mỗi lần như thế cũng chỉ thu được độ nửa lít cho đến 3 “xị” (750ml) mà thôi. Cho nên khi cầm chén cơm nguội chan mật ong từ tay mẹ, phải biết rằng, chỉ “Út cưng” mới được mẹ cho ăn món ngon như thế.
Quay lại chuyện ong về “đóng tổ” trên cây mít. Lạ một điều, cứ sau một lần thu hoạch mật, ong lại trở về và mỗi lần trở về như thế, đường kính của tổ ong thu hẹp lại một tẹo. Tầm sau 3 đến 4 lần lấy mật, ong sẽ bay đi tìm chảng cây khác, ở một nơi nào đó, rất khác…
Ấy vậy mà vị mật ong đó, sau hơn 30 năm, tôi vẫn còn cảm giác ngọt thơm ngay đầu lưỡi. Mới hay, ký ức là miền không tên gọi, chỉ cần ta gợi nhẹ, tất cả sẽ ùa về. Hình ảnh chén đựng cơm nguội bằng sành có kẻ 2 viền màu xanh, kèm cái muỗng nhỏ xíu mà mẹ cho ăn với mật ong như có thể cầm lên được ngay.
Bây giờ, dù biết rằng mật ong rừng tràm là loại tốt, nhưng tôi không dám khẳng định mình có thể mua mật ong tự nhiên thật đến 100%, trừ thi thoảng anh em, họ hàng lấy được tổ ong thiên nhiên rồi chia mật lại, như cách mà mọi người hay nói với nhau, “để dành làm thuốc”. Mật của ong mật và ong ruồi cũng có độ chênh rất lớn về giá. Bây giờ, để bảo vệ rừng, nghề “gác kèo ong” nức tiếng một thời ở U Minh hạ gần như đã lui vào quá khứ. Có chăng là các hộ gia đình làm du lịch kiểu homestay đang “xốc” lại ký ức một thời để làm điểm nhấn cho hộ gia đình mình. Dù không đúng y chang “quy trình” của nghề “gác kèo ong” xưa, nhưng tự tay mình ngồi vắt mật ong tại vùng đệm của Vườn Quốc gia U Minh hạ, cũng là cái thú tao nhã của dân miệt vườn.
Gác kèo ong là một nghề có lịch sử hơn 200 năm ở miệt U Minh này. Thử đi Cà Mau một chuyến, sẽ có nhiều điều thú vị hơn bạn từng nghĩ. Và để biết, không phải như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như: chuẩn bị kèo, chọn điểm gác kèo là trảng sậy, trảng tràm… Hay cần phải biết gác kèo ở điểm nào có ánh nắng chiếu vào để cây kèo luôn khô ráo, ong mới về đóng tổ. Đến khi sắp thu hoạch mật, phải có những dụng cụ gì, bảo hộ ra làm sao, kể cả có lửa, có khói (cho ong bay đi)… Có một thời gian nào đó thích hợp, bạn “ăn dầm nằm dề” với U Minh để hiểu thêm một chút về vùng đất huyền thoại nói chung và riêng nghề gác kèo ong này.
Mật ong có tác dụng tốt cho sức khỏe cũng như việc làm đẹp. Nhưng theo chủ quan của tôi, bây giờ mật ong không còn chất như xưa, nghề nuôi ong lấy mật đang phát triển mạnh ở một số địa phương trong cả nước. Mà đã gọi là nuôi rồi, thì không còn tự nhiên nữa, dù ít dù nhiều, ong cũng bị “uống đường”. Cho nên, tôi cứ mãi hoài niệm về miền quá khứ với chén cơm nguội chan mật ong vàng ươm mà mẹ cho ăn.
Miền Tây mưa đang bắt đầu già. Và đã qua mùa thu hoạch mật…