Theo văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ tính riêng năm 2017, đã có 386 người chết và mất tích vì thiên tai khốc liệt, xảy ra khắp địa bàn cả nước. Tổng thiệt hại về kinh tế cả năm 2017 do thiên tai bão lũ lên tới 60.000 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là vụ lũ ống lũ quét vào tháng 8-2017 làm 42 người chết và mất tích, thiệt hại lên tới 1.400 tỷ đồng tại Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu... Và sau đó, đến tháng 10-2017, lại đồng loạt xảy ra các trận lũ quét ở Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La và mưa lũ lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... Hậu quả, có tới 70 người bị thiệt mạng và mất tích, thiệt hại 4.450 tỷ đồng, buộc 4.138 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Còn nhớ 10 năm về trước, các trận lũ ống, lũ quét xảy ra chủ yếu là do mưa lớn sau hoàn lưu bão. Thế nhưng theo dữ liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương thì các trận lũ ống, lũ quét xảy ra trong các năm từ 2013 đến nay, có khi chỉ do rãnh áp thấp gây mưa hoặc không khí lạnh.
Nhiều nơi như Mù Cang Chải - Yên Bái hoặc Tân Lạc - Hoà Bình trong lịch sử chưa từng xảy ra lũ ống nhưng vừa qua “thần chết” đã hiển hiện khi cả túi nước khổng lồ từ đồi cao núi thẳm dội về như thác. Lũ quét xảy ra, tiếng đất vỡ như bom nổ. Người dân nằm trong tâm dòng thác đỏ không thể chạy kịp. Có những gia đình 2-3 thậm chí 4 người thân cùng bị chôn vùi sâu dưới lớp bùn đá lớn cùng với nhà cửa, gia sản...
Đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân thiên tai ngày càng khủng khiếp, chỉ mưa, áp thấp cũng có lũ quét, một số quan điểm cho rằng, biến đổi khí hậu đã làm thời tiết trở nên cực đoan hơn so với trước. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cũng như người dân sống trong vùng có lũ quét cho rằng, nguyên nhân chính là do tình trạng mất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Có thể cảm nhận rõ được thực trạng này khi khảo sát thực tế tại các khu vực xảy ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở. Tại các lòng hồ thủy điện, sau mỗi trận lũ, xác gỗ dạt về nổi kín hạ lưu hồ chứa.
Đầu tháng 12-2017, trong một hội thảo về thực trạng mất rừng phòng hộ, Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) thẳng thắn cảnh báo tình trạng lũ lụt, lũ quét gia tăng như thời gian qua là do phá rừng làm thủy điện. Các dự án thủy điện và khai khoáng là những thủ phạm tàn phá rừng phòng hộ ở đầu nguồn. Trong 10 năm (từ 2004 đến 2014) diện tích rừng phòng hộ có chức năng ngăn lũ và bồi lắng lòng sông suối đã biến mất 1,7 triệu ha. Trong đó 1,4 triệu ha là rừng tự nhiên có giá trị kinh tế cao là những món lợi béo bở bị dòm ngó.
Lâu nay nói đến đại nạn tàn phá rừng chúng ta thường nghĩ thủ phạm là lâm tặc, tức là người dân ở gần khu vực có rừng. Nhưng trên thực tế rừng bị phá do lâm tặc không thấm vào đâu so với diện tích rừng bị chuyển đổi sang mục đích khác, đồng nghĩa với việc phá rừng hợp pháp khi các dự án được cấp phép. Gỗ ngày càng hiếm và có giá cao, vì vậy rừng cũng không ngừng chảy máu. Lại một câu hỏi đặt ra là vai trò của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương như thế nào? Giữa tháng 10-2017, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã có cả một hệ thống quản lý với quyết tâm cao giữ rừng thì không thể để mất rừng như hiện nay. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết. Theo Bộ Công an, đã xuất hiện lợi ích nhóm để thu lợi từ việc khai thác, tận thu lâm sản hay sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.
Theo Bộ NN-PTNT, giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, lũ ống, lũ quét là triển khai di dân tới nơi an toàn. Hiện đã có dự án tổng di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng đến tháng 5-2017 mới di chuyển và bố trí chỗ ở mới cho gần 52.000 hộ, còn 67% tổng số hộ cần di dời chưa thể di dời. Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, nếu không giữ và khôi phục lại được rừng đầu nguồn thì dù không có biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ vẫn sẽ tiếp tục cướp đi thêm nhiều tính mạng và tài sản của dân.
Còn nhớ 10 năm về trước, các trận lũ ống, lũ quét xảy ra chủ yếu là do mưa lớn sau hoàn lưu bão. Thế nhưng theo dữ liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương thì các trận lũ ống, lũ quét xảy ra trong các năm từ 2013 đến nay, có khi chỉ do rãnh áp thấp gây mưa hoặc không khí lạnh.
Nhiều nơi như Mù Cang Chải - Yên Bái hoặc Tân Lạc - Hoà Bình trong lịch sử chưa từng xảy ra lũ ống nhưng vừa qua “thần chết” đã hiển hiện khi cả túi nước khổng lồ từ đồi cao núi thẳm dội về như thác. Lũ quét xảy ra, tiếng đất vỡ như bom nổ. Người dân nằm trong tâm dòng thác đỏ không thể chạy kịp. Có những gia đình 2-3 thậm chí 4 người thân cùng bị chôn vùi sâu dưới lớp bùn đá lớn cùng với nhà cửa, gia sản...
Đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân thiên tai ngày càng khủng khiếp, chỉ mưa, áp thấp cũng có lũ quét, một số quan điểm cho rằng, biến đổi khí hậu đã làm thời tiết trở nên cực đoan hơn so với trước. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cũng như người dân sống trong vùng có lũ quét cho rằng, nguyên nhân chính là do tình trạng mất rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Có thể cảm nhận rõ được thực trạng này khi khảo sát thực tế tại các khu vực xảy ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở. Tại các lòng hồ thủy điện, sau mỗi trận lũ, xác gỗ dạt về nổi kín hạ lưu hồ chứa.
Đầu tháng 12-2017, trong một hội thảo về thực trạng mất rừng phòng hộ, Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) thẳng thắn cảnh báo tình trạng lũ lụt, lũ quét gia tăng như thời gian qua là do phá rừng làm thủy điện. Các dự án thủy điện và khai khoáng là những thủ phạm tàn phá rừng phòng hộ ở đầu nguồn. Trong 10 năm (từ 2004 đến 2014) diện tích rừng phòng hộ có chức năng ngăn lũ và bồi lắng lòng sông suối đã biến mất 1,7 triệu ha. Trong đó 1,4 triệu ha là rừng tự nhiên có giá trị kinh tế cao là những món lợi béo bở bị dòm ngó.
Lâu nay nói đến đại nạn tàn phá rừng chúng ta thường nghĩ thủ phạm là lâm tặc, tức là người dân ở gần khu vực có rừng. Nhưng trên thực tế rừng bị phá do lâm tặc không thấm vào đâu so với diện tích rừng bị chuyển đổi sang mục đích khác, đồng nghĩa với việc phá rừng hợp pháp khi các dự án được cấp phép. Gỗ ngày càng hiếm và có giá cao, vì vậy rừng cũng không ngừng chảy máu. Lại một câu hỏi đặt ra là vai trò của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương như thế nào? Giữa tháng 10-2017, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã có cả một hệ thống quản lý với quyết tâm cao giữ rừng thì không thể để mất rừng như hiện nay. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết. Theo Bộ Công an, đã xuất hiện lợi ích nhóm để thu lợi từ việc khai thác, tận thu lâm sản hay sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.
Theo Bộ NN-PTNT, giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, lũ ống, lũ quét là triển khai di dân tới nơi an toàn. Hiện đã có dự án tổng di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng đến tháng 5-2017 mới di chuyển và bố trí chỗ ở mới cho gần 52.000 hộ, còn 67% tổng số hộ cần di dời chưa thể di dời. Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, nếu không giữ và khôi phục lại được rừng đầu nguồn thì dù không có biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ vẫn sẽ tiếp tục cướp đi thêm nhiều tính mạng và tài sản của dân.