Mất kết nối của tác giả Johann Hari là sự kết hợp nhẹ nhàng và tự nhiên giữa tính trải nghiệm cá nhân khắc nghiệt, cộng thêm sự kết hợp giữa khoa học, triết học.
Chính vì vậy, đây là cuốn sách rất khác so với những cuốn sách về chủ đề bệnh trầm cảm trên thị trường. Bởi vì đa số những dòng sách về căn bệnh tâm lý đều được viết bởi các nhà tâm lý trị liệu hoặc các chuyên gia tâm lý hàng đầu. Nhưng đối với Johann Hari lại khác, ông là nạn nhân của chứng trầm cảm từ tuổi thiếu niên và phải dùng thuốc ở độ tuổi ấy. Có lẽ vì thế mà cuốn sách của ông thuyết phục người đọc bởi sự chân thật, giàu trải nghiệm.
Hành trình ấy cũng chính là hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Trầm cảm có thực sự là hậu quả của sự mất cân bằng trong não bộ? Những loại thuốc điều trị trầm cảm có thực sự mang lại tác dụng? Tại sao chúng lại được các bác sĩ và bệnh nhân “yêu thích” đến như vậy? Và nếu trầm cảm hay lo âu không phải hoặc không chỉ là vấn đề của não bộ thì yếu tố con người và xã hội đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành và điều trị căn bệnh này?
Sau nhiều năm nghiên cứu, Johann Hari đã xác định được 9 nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu bao gồm: Mất kết nối với công việc; Mất kết nối với người khác; Mất kết nối với những giá trị ý nghĩa; Mất kết nối do những sang chấn tuổi thơ; Mất kết nối với vị trí xã hội và sự tôn trọng; Mất kết nối với thế giới tự nhiên; Mất kết nối với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn; Vai trò thực sự của những thay đổi trong não bộ và gene.
Sau khi chỉ ra 9 nguyên nhân - 9 mất kết nối với những giá trị sống, Johann Hari tiếp tục dẫn dắt bạn đọc đến những “liều thuốc” hữu hiệu cho chúng. Những phương pháp của ông sẽ khiến bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Làm sao chúng ta có thể tìm lại được mối kết nối với công việc, với người khác, với những giá trị ý nghĩa, với vị trí xã hội và sự tôn trọng, với thế giới tự nhiên, và với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn? Giải pháp của Hari chắc chắn sẽ đem lại cho bạn đọc những bất ngờ nhưng cũng đầy niềm hy vọng và nỗi hân hoan.