Tổng số heo mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng hơn 297 tấn. Các tỉnh bị dịch xâm nhiễm là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (thứ tự này tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).
Không riêng ở Việt Nam, theo Tổ chức Thú y Thế giới (EOI), tính từ năm 2017 đến cuối tháng 2-2019, đã có trên 20 quốc gia phát hiện bị nhiễm dịch tả heo châu Phi. Dù rằng khu vực phía Nam nước ta chưa phát hiện trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi nhưng mối lo ngại của người tiêu dùng đã hiện hữu. Khi mua thịt, một số khách hàng đã hỏi thẳng người bán về nguồn gốc, chất lượng thịt. Anh Nguyễn Anh Khoa, có quầy thịt bán tại chợ nhỏ gần bến đò ở quận Thủ Đức, chia sẻ khi mua thịt heo, đầu tiên người tiêu dùng phải cảm nhận được mùi vị của thịt. Nếu thịt tươi và an toàn sẽ không ngửi thấy vị tanh hôi; chọn thịt màu sắc tươi hồng, mỡ trắng, da láng khô ráo. Sau đó dùng ngón tay ấn vào thớ thịt để cảm nhận được độ đàn hồi. Đặc biệt, không nên ham rẻ sẽ dễ mua phải thịt kém an toàn.
Dạo quanh các chợ, siêu thị ở TPHCM, mặt hàng thịt heo hiện vẫn tiêu thụ ổn định. Trong bữa cơm hàng ngày, thịt heo là một trong những món ăn mặn của các gia đình và còn là nguyên liệu của nhiều món ăn khác như bún, bánh, hủ tiếu… Vì vậy, khi có dịch bệnh trên đàn heo, không chỉ gây tổn thất cho người chăn nuôi mà ngay cả người kinh doanh và tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.