Số lao động sẽ tiếp tục giảm 650.000 người vào năm 2029 nên đến năm 2030 Đức sẽ bị thiếu hụt khoảng 5 triệu người trong độ tuổi lao động.
Theo một kết quả nghiên cứu trước đó, nếu không có người nhập cư thì với tình trạng “dân số già” như hiện nay, lực lượng lao động ở Đức vào năm 2060 ước tính sẽ giảm 1/3, khoảng 16 triệu người. Lực lượng lao động ngày càng giảm đang trở thành “một quả bom hẹn giờ” đối với hệ thống lương hưu của Đức.
Để giải quyết bài toán mất cân bằng nhân khẩu học, năm 2019 chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel từng có đề xuất tăng tuổi hưu lên 69 tuổi nhưng vấp phải những phản ứng trái chiều, cho rằng đó là một tính toán sai lầm. Lần này, trước nguy cơ tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực then chốt có thể làm suy yếu đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, chính phủ mới thành lập ở Đức muốn thu hút 400.000 lao động tay nghề cao từ nước ngoài mỗi năm thông qua chính sách nhập cư hiện đại cũng như phát triển các chương trình hội nhập mạnh mẽ hơn.
Theo đó, liên minh đảng Dân chủ Xã hội, đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh đã nhất trí về các biện pháp như hệ thống tính điểm cho các chuyên gia từ những nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và nâng mức lương tối thiểu trên toàn quốc lên 12 EUR/giờ (13,6 USD/giờ) để thu hút lao động tới Đức.
Trước đó, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Đức vào giữa tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, nước Đức sẽ lần đầu tiên cho phép công dân mang hai quốc tịch không phải từ EU, một kế hoạch mang lại lợi ích cho hàng triệu người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Đức. Mọi thay đổi sẽ được theo dõi đặc biệt ở Đức, vì bất kỳ thay đổi nào ở đây, chắc chắn sẽ kéo theo những thay đổi trên khắp châu Âu.