Hỏi người bán, ai cũng cam đoan là trái cây thu hoạch tại vườn, không phun thuốc, nhưng chỉ có… trời mới biết! Sầu riêng là loại trái dễ mua nhầm nhất, vì luôn nghe giới thiệu là sầu riêng Cái Mơn, Tiền Giang... Thật ra, mùa hạn mặn năm nay, diện tích sầu riêng, măng cụt bị ảnh hưởng khá lớn ở những vùng chuyên canh nổi tiếng miền Tây, thậm chí nhà vườn phải đốn bỏ.
Một nhà vườn ở Chợ Lách cho biết, có khi họ cũng phải mua sầu riêng đang bán đầy ngoài chợ về ăn, dù biết chắc là trồng trên… Tây Nguyên, chất lượng và hương vị không thể bằng ở miền Tây Nam bộ. Riêng chuyện chủng loại thì nhìn mắt thường, cỡ chuyên gia còn khó phân định nổi đâu là giống Ri6, Chín Hóa, Cơm vàng hạt lép, Chuồng bò, Moong thon… chứ đừng nói đến chuyện biết có bị nhúng thuốc hay không. Giờ làm sao kiếm ra được trái sầu riêng chín cây, vì thương lái mua cả vườn rồi thu hoạch chở đi tiêu thụ chứ đâu có chờ đi lượm từng trái rụng!
Còn vải thiều, đào, mận (đặc sản phía Bắc) thì khỏi phải nói rồi, người mua chỉ có tin người bán thôi chứ không cách nào biết được nguồn gốc, có khi gặp hàng Trung Quốc cũng không chừng. Nỗi lo về vấn đề trái cây Trung Quốc chất lượng kém “đội lốt” trái cây Việt đã có từ lâu, nhưng thời gian gần đây, người tiêu dùng lại phải bối rối với tình trạng hàng Việt lại gắn mác hàng… Thái. Cụ thể là khắp các chợ truyền thống đang bán tràn ngập măng cụt, xoài, bòn bon… được tiểu thương giới thiệu là trái cây nhập khẩu từ Thái Lan.
Từ trước đến nay, hàng Thái Lan được đánh giá có hương vị ngon, hình thức đồng đều nên rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Là hàng nhập khẩu lại có chất lượng tốt nên giá bán hàng Thái cũng cao hơn nhiều so với hàng nội địa. Cụ thể, măng cụt Thái có giá dao động trong khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg, cao hơn hàng Việt 10.000 - 15.000 đồng/kg; bòn bon Thái loại 1 có giá khoảng 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với hàng trong nước. Việt Nam và Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây giống nhau như: măng cụt, bòn bon, sầu riêng, xoài, chôm chôm…
Trái cây là một trong những thế mạnh của Việt Nam, có khả năng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, tuy nhiên, phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Riêng người tiêu dùng trong nước thì đành chịu thiệt vì không thể biết nguồn gốc sản phẩm. Việt Nam đã tham gia EVFTA và các Hiệp định thương mại quốc tế khác. Nếu cứ duy trì phương thức sản xuất và tiêu thụ tràn lan, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc như hiện nay, ngành sản xuất trái cây chắc chắn sẽ bị thua thiệt ngay trên sân nhà.