Vin vào cách tân
“Cho hỏi lấy cớ gì để đòi tẩy chay những sự cách tân sáng tạo thời trang như kia? Thời trang là để thể hiện bản thân, các sản phẩm thời trang chính là phản ánh quan điểm của nhà thiết kế (NTK) về thế giới. Nếu NTK đã nhìn áo yếm và chư tăng thế kia thì đó cũng chỉ là một cái nhìn mới về truyền thống. Mà truyền thống, thuần phong mỹ tục… cũng chỉ làm nền cho tác phẩm của NTK. Khi đã trên sàn diễn thì cái tôi của người làm thời trang quan trọng hơn lịch sử, xứng đáng được tôn vinh hơn truyền thống”.
Đọc những dòng bênh vực vô lý này của một bạn trẻ về bộ sưu tập (BST) New Tradition (NTK trẻ Tường Danh thực hiện) trên mạng xã hội, nhiều người lắc đầu ngao ngán. Đến giờ vẫn có không ít người bênh các thiết kế dựa vào yếu tố truyền thống, vin vào cách tân để cắt xẻ lố bịch, hở lưng, mông trắng trợn. Một số người mẫu đội nón quai thao, uốn éo phản cảm. Có người mẫu nam diện thiết kế đầm vàng lệch vai cổ trụ, cầm trên tay chuông vàng, chén vàng như gợi nhắc hình ảnh chư tăng khất thực.
Anh Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi (trang chuyên nghiên cứu văn hóa, lễ nghi, trang phục chốn cung đình xưa), đại diện dự án Việt phục Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, bức xúc: “Từ khi nào chiếc nón quai thao truyền thống lại bị gán ghép vào những bờ mông để trần kệch cỡm, dung tục đến thế này? Từ khi nào hình ảnh chư tăng khất thực vốn là hình ảnh thiêng liêng, gợi nhắc về Tăng đoàn nguyên thủy, lại bị bóp méo lố bịch kinh khủng trên sàn diễn thời trang? Đừng bao giờ vin vào cớ “cách tân”, “sáng tạo” để cưỡng bức văn hóa truyền thống”.
Lê Ngọc Quyên (29 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) thảng thốt: “Lúc mới nhìn qua ảnh, tôi tưởng hình ảnh trong vũ trường, ai ngờ là show thời trang. Đề cao sáng tạo gì chứ? Thực tế là đang phơi bày da thịt, khơi gợi ánh nhìn thiếu tế nhị vào cơ thể phụ nữ”.
Đừng tùy tiện
“Không phải là đứt gãy mà là tha hóa! Các NTK có một khẩu hiệu kiểu bịt mắt để hô hào rằng “thể hiện cái tôi”, thể hiện “tiếng nói của thời đại ta đang sống”, rằng là đề cao “sáng tạo”…, nhưng họ lại rất mỏng về thẩm mỹ cũng như văn hóa. Vấn đề là nhiều người lại tung hô họ thái quá. Một làn sóng hô hào đổi mới sáng tạo, nhưng lại khỏa lấp những giá trị cơ bản của truyền thống và lịch sử tạo ra cái gọi là sáng tạo đó!”, họa sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình cảm thán.
Trước những thiết kế của Tường Danh, chuyện các bạn trẻ quá đà trong sáng tạo các trang phục gắn mác truyền thống, từng diễn ra. Đặc biệt, những năm gần đây, phần thi “Trang phục dân tộc” được nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước tổ chức thường xuyên, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các “NTK trẻ” thi thố. Nhiều mẫu thiết kế mang danh trang phục dân tộc lại chắp vá ý tưởng, thiết kế quá đà. Một số thiết kế kỳ cục như: áo bà ba ở trên nhưng lại để chân trần và không mặc quần truyền thống; áo yếm phối áo bà ba... Cũng từng xuất hiện bộ trang phục lấy ý tưởng từ vở cải lương Hoàng hậu không đầu và tác giả tái hiện luôn hình ảnh phụ nữ mặc áo dài không có phần đầu rùng rợn.
Từ câu chuyện cách tân áo dài, áo yếm với nhiều mẫu trang phục gây tranh cãi, người trẻ cần thấy rằng sự sáng tạo là cần thiết nhưng phải chừng mực. Nhất là hiện nay, khi cổ phục Việt đang được đón nhận nhiều hơn, sự cách tân càng nên cẩn trọng. Sáng tạo vô biên nhưng cũng cần văn minh.
* VÕ THỊ ÁNH NGỌC (quận Bình Tân, TPHCM): Tự do không phải là tùy tiện
Tôi từng thấy một số bạn nữ trẻ ở quán bar mặc đồ cách tân rất kỳ cục từ cảm hứng trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống dân tộc có thể được cách tân để trở nên độc đáo hơn trên sân khấu nhan sắc, sàn diễn thời trang nhưng không nên đi quá xa các yếu tố văn hóa, truyền thống cốt lõi. Tự do sáng tạo không có nghĩa tùy tiện lấy lịch sử, truyền thống, văn hóa gắn vào sản phẩm phản cảm của mình. Biết tôn trọng cũng là cách để khi sáng tạo không đi quá xa thuần phong mỹ tục”.