Kinh tế thuần biển sẽ đóng góp khoảng 10% GDP
Hội nghị nhận định, thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại biển Đông. Ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo. Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Ở trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn là những khó khăn, thách thức lớn.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu tổng quát được Nghị quyết số 36 đề ra là đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại sẽ trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Những mục tiêu tổng quát này cũng đã được cụ thể hoá rất rõ ràng ngay trong Nghị quyết. Chẳng hạn, các ngành kinh tế thuần biển sẽ đóng góp khoảng 10% GDP cả nước vào năm 2030; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Đáng lưu ý, không chỉ kinh tế, mà chỉ tiêu về xã hội cũng được lượng hoá, với chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...
Để làm được điều đó, những giải pháp truyền thống vẫn hết sức quan trọng, nhưng hẳn là chưa đủ.
Một mặt, như Nghị quyết 36 đã nêu rõ, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển (bao gồm cả hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển; kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành; mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các đảo, quần đảo và vùng ven biển).
Quy hoạch biển cần mang tính tổng thể, toàn diện, phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính kết nối, tránh tình trạng các địa phương, các vùng tự phát cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau. Hiện thực hoá được một quy hoạch như thế đồng nghĩa với việc phải đổi mới từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội theo hướng phát triển kinh tế biển xanh; tiếp cận quản lý tổng hợp, kết nối đồng bộ, hữu cơ như trong một hệ sinh thái tự nhiên: cộng sinh, không làm suy yếu và loại trừ lẫn nhau, vừa hỗ trợ vừa làm động lực thúc đẩy lẫn nhau.
Cụ thể, các địa phương có biển cần phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới, trong khi các địa phương không có biển đóng vai trò hỗ trợ thông qua việc tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, các địa phương có biển đóng vai trò tạo động lực cho phát triển sản xuất của các địa phương không có biển bằng cách cung cấp các dịch vụ cảng, logistics cho xuất khẩu hàng hóa.
Xây dựng đội ngũ nhân lực biển chất lượng cao
Bên cạnh đó, phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường điều tra cơ bản về biển; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển là những nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.
Vừa qua, kinh tế biển Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng to lớn của mình chính là do nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng; trình độ, năng lực khoa học - công nghệ và điều tra cơ bản về biển còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế như hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…