Theo phản ánh của người dân địa phương, vài năm trở lại đây, việc lấn chiếm đầm Ô Loan diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều người ban đêm đến đóng cọc nhọn, giăng lưới mùng, khoanh chiếm hàng ngàn mét vuông mặt nước ở giữa đầm. Ban đầu, các đối tượng làm dè chừng, nếu chính quyền không phát hiện, họ sẽ cho đổ đất đá, tạo bờ kiên cố, rồi thả nuôi thủy hải sản. Người này lấn chiếm được thì người khác cũng đến khoanh chiếm. Có người còn đổ ống bê tông tạo hồ lớn giữa đầm, xả thẳng nước thải ra đầm. Chủ tôm còn tàn phá nhiều diện tích rừng phòng hộ ven đầm để xây dựng nhà cửa, công trình trái phép. “Có nhiều người ở vùng khác đến đây để chiếm đầm nuôi tôm. Lúc cao điểm, mỗi đêm đến sáng có 2 - 3 hồ tôm mọc lên giữa đầm. Hiện diện tích đầm Ô Loan bị lấn chiếm gần hết. Gần đây, không hiểu có chủ trương gì mà UBND xã An Cư còn phân chia và cấp quyền khai thác, sử dụng mặt nước đầm Ô Loan cho một số hộ dân nuôi hàu, vẹm”, ông H.V.C. (người dân nuôi tôm truyền thống ở đầm Ô Loan) cho hay.
Theo UBND huyện Tuy An, tổng diện tích của đầm Ô Loan khoảng 1.570ha. Hiện có trên 430ha ở đầm Ô Loan thuộc 5 xã: An Hiệp, An Hòa, An Hải, An Cư và An Ninh Đông dành để nuôi tôm (trong đó có trên 1.000 hồ tôm của trên 750 nhân khẩu) nhưng chỉ 65,7ha nuôi tôm được cấp phép có thời hạn, còn lại là trái phép. Số lượng hồ tôm lớn khiến vùng đầm quá tải, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho rằng: “Vấn đề này tồn tại rất lâu, từ trước khi đầm Ô Loan được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia (năm 1996) thì đã có dân làng sinh sống, nhiều hộ được cấp sổ đỏ. Ở ven đầm Ô Loan từ thời Pháp đã hình thành hệ thống làng xã. Sau này, dân làng cứ theo luật lệ họ đã chia ranh giới từng vùng để giữ, bảo vệ đầm. Bây giờ không thể nói cưỡng chế là làm được, phải bố trí tái định cư, chỗ ở mới cho dân trước đã. Giờ phải làm sao cho hài hòa, hợp lý và phải đảm bảo được lợi ích của người dân nữa”.
Về nghi vấn có cán bộ cấp huyện, xã vi phạm, lấn chiếm đầm Ô Loan, ông Thành thừa nhận có một số cán bộ về hưu đã vi phạm. “Như ở An Ninh Đông, vừa rồi có nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã vi phạm, chúng tôi đã buộc dừng hoạt động lấn chiếm, nếu không thực hiện địa phương sẽ cương quyết xử lý ngay…”, ông Thành nói. Ngày 25-3, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận: Để xảy ra tình trạng trên, một phần là do công tác quản lý, quy hoạch của địa phương còn hạn chế. Vừa rồi đích thân tôi và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp kiểm tra hiện trường. Thời gian tới, chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm để lập lại trật tự ở đầm Ô Loan. Đây là khu di tích thắng cảnh quốc gia nên cần phải được bảo vệ và giữ gìn nghiêm ngặt. Bây giờ phải quy hoạch lại vùng nuôi tôm và vẫn phải đảm bảo vùng sinh kế cho bà con, loại bỏ kiểu nuôi hải sản tự phát. Còn đối với những cán bộ hoặc người thân của cán bộ cấp xã, huyện lấn chiếm đầm Ô Loan để nuôi hải sản, sắp tới cũng phải được xử lý và giải tỏa để đảm bảo cho mục tiêu phát triển chung.