Chiều 21-11, tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm của ngành tư pháp.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) |
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân thống nhất cao với các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và lưu ý, báo cáo của hai cơ quan TANDTC và VKSNDTC đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính, từ đó chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Quốc hội quan tâm đánh giá toàn diện thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành; xem xét tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc… để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
“Nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho các ngành tư pháp ở các cấp thì cần có cơ chế tài chính đảm bảo để tòa án, viện kiểm sát các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tống đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới”, nữ ĐB kiến nghị.
Cùng quan điểm, ĐB Siu Hương (Gia Lai) nhận xét, các báo cáo chưa thể hiện rõ sự bất cập về tổ chức bộ máy. Tại kỳ họp này, Quốc hội đang tiến hành thảo luận cho ý kiến sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân, đây là cơ hội để khắc phục những bất cập về công tác tổ chức tòa án.
Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 21-11 |
Đáng lưu ý, ĐB Siu Hương đề nghị mạnh tay xử lý tình trạng vi phạm pháp luật trong các ngành tư pháp, góp phần bảo vệ chế độ quyền lợi chính đáng của các chủ thể; tăng cường hơn nữa đối với công tác giáo dục đạo đức công vụ…
Đây cũng là vấn đề được ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ra. ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhìn nhận, kinh tế càng phát triển thì mâu thuẫn tranh chấp kinh tế không thể tránh khỏi, kể cả vi phạm pháp luật và tội phạm.
Theo ĐB, sự nỗ lực của các cơ quan hiện nay rất đáng ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và chưa tạo lập được niềm tin vững chắc với người dân.