Mạnh tay xử lý doanh nghiệp nợ BHXH

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM mới đây đã công bố danh sách hơn 15.000 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Cá biệt có những doanh nghiệp nợ BHXH của hàng ngàn người lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong số doanh nghiệp “đội sổ” bị bêu tên có Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (quận 3), dù mới chậm đóng 10 tháng nhưng số tiền nợ đã hơn 38,4 tỷ đồng. Còn Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (quận 1) đã 71 tháng chưa đóng BHXH cho người lao động, với số tiền nợ hơn 37,3 tỷ đồng; chi nhánh Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (quận 3) cũng 48 tháng chưa đóng BHXH cho người lao động, với số nợ hơn 31,2 tỷ đồng…

Những hệ lụy của việc doanh nghiệp chây ỳ, không đóng BHXH ảnh hưởng đến người lao động là rất lớn. Từ việc xác nhận quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến công tác an sinh xã hội, người lao động không được giải quyết các chế độ BHXH hưu trí, ốm đau, thai sản, thất nghiệp; không được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)…

Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã có văn bản đốc thúc BHXH các địa phương trong việc thu hồi nợ BHXH; thanh tra, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Từ giữa năm 2023, UBND TPHCM cũng đã có văn bản chỉ đạo giải quyết tình trạng này. Trong đó, yêu cầu Công an TPHCM phối hợp với BHXH TPHCM xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT. Để xử lý triệt để tình trạng chây ỳ của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, trước hết cần có quy định chi tiết, cụ thể hành vi chậm đóng, trốn đóng; tăng chế tài xử lý để tăng tính răn đe.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người lao động cũng cần có sự chủ động trong việc theo dõi, giám sát quá trình đóng BHXH của doanh nghiệp thông qua ứng dụng BHXH số (VssID) và phản ánh với tổ chức công đoàn, cơ quan chức năng để can thiệp từ sớm khi doanh nghiệp bắt đầu chậm đóng BHXH…

Tin cùng chuyên mục