Mạnh tay với tội phạm buôn bán, tàng trữ súng đạn, vật liệu nổ

Gần đây, nhiều đường dây buôn bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ trên mạng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi đã lần lượt bị công an triệt phá.

Vô tư rao bán súng, đạn trên mạng

Ngày 3-3, truy cập vào nhiều trang trang web, fanpage… trên mạng xã hội, phóng viên Báo SGGP ghi nhận tình trạng rao bán súng đạn, vũ khí một cách công khai. Nhiều trang còn đăng tải hình ảnh, clip, cách hướng dẫn sử dụng các loại súng đạn kèm số điện thoại. Chính việc dễ dàng có thể mua, bán, trao đổi “hàng nóng”, các công cụ hỗ trợ... đã góp phần làm gia tăng tình hình tội phạm, nhất là những vụ án cố ý gây thương tích, án mạng.

Đầu tháng 3-2024, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM phối hợp Công an các quận, huyện như: 6, 8, 12, Bình Tân, Hóc Môn… triệt phá thành công đường dây buôn bán, tàng trữ trái phép súng đạn trên mạng do Đoàn Quốc Thái (sinh năm 1992, ngụ quận 8) cầm đầu.

Trước đó, trinh sát PC02 phát hiện tài khoản Facebook “báo đen airsoft”; telegram @baodenairsoft; web: baodenairsoft.com và kênh YouTube đăng tải bán súng đạn với giá từ 20-40 triệu đồng/khẩu súng. Thu thập thông tin, công an xác định các trang này rao bán súng đạn kèm hình ảnh, kích cỡ, cách sử dụng, hướng dẫn cách mua hàng. Sau khi củng cố chứng cứ, công an đã bắt giữ Thái và Trần Bá Lộc (sinh năm 1997, ngụ quận 12) và khám xét nhiều nơi, thu giữ 230 khẩu súng, 4.750 viên đạn, 2 máy khoan ép đạn, 9 bịch đạn, 54 hộp tiếp đạn và nhiều tang vật liên quan. Bước đầu, Thái khai mua lô hàng trên ở Campuchia, Thái Lan vận chuyển về TPHCM. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Thái đã bán hàng trăm khẩu súng công cụ hỗ trợ, thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng.

d7a-5963.jpg
Đao, kiếm, công cụ hỗ trợ bị thu giữ

Phòng PC02 cho biết, băng nhóm của Thái chủ yếu liên hệ qua mạng xã hội. Thái cũng thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi cất giấu súng đạn để tránh công an lần theo dấu vết. Khách hàng truy cập vào các trang mạng, được nhóm Thái tư vấn, trao đổi mua bán qua điện thoại, tài khoản Zalo, Facebook, Telegram chứ không gặp trực tiếp. Khách mua hàng phải chuyển khoản đặt cọc. Số tiền còn lại sẽ được người mua thanh toán chuyển khoản sau khi nhận được hàng (qua các ứng dụng giao hàng). Khi phát hiện thấy có “động” hoặc nghi vấn, nhóm Thái sẽ ngưng giao dịch.

Nhiều mánh khóe né tránh công an

Cơ quan chức năng cho biết, vũ khí, vật nổ thường do một số đối tượng nhập với số lượng lớn vào Việt Nam qua các cửa khẩu tiếp giáp thông qua các dịch vụ vận chuyển quốc tế hay các trang thương mại điện tử lớn. Nhiều đối tượng còn chủ động qua các nước Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… để test hàng và tìm cách đưa về Việt Nam. Có thể các đối tượng đưa nguyên bản khẩu súng hay tháo rời từng bộ phận để dễ dàng đưa về Việt Nam.

Hiện nay, tội phạm loại này lợi dụng tính “ẩn danh” của không gian mạng và sử dụng đa dạng các dịch vụ trực tuyến để thực hiện hành vi phạm tội.

Các đối tượng thường giao hàng qua dịch vụ vận chuyển công nghệ như: giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh, Shopee, Tiki... (trong nội thành) hoặc bằng xe khách liên tỉnh giao cho khách ở các tỉnh, thành. Trên kiện hàng sẽ không ghi địa chỉ người gửi, cũng khai báo không đúng loại hàng hóa gửi. Tài khoản nhận thanh toán cũng không đăng ký chính chủ. Hiện nay, các đối tượng còn sử dụng thanh toán qua hình thức ship COD (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên giao hàng).

Để đấu tranh với loại tội phạm này, công an gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều đường dây, các đối tượng còn chia nhỏ các bộ phận linh kiện của súng đạn, vũ khí, công cụ hỗ trợ rồi gửi nhiều lần nên khó xử lý hình sự. Trước diễn biến phức tạp, Công an TPHCM cùng Công an các quận huyện, TP Thủ Đức đã xây dựng, triển khai đồng loạt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ… trên không gian mạng. Trinh sát của các đơn vị được phân công nắm bắt thông tin trên không gian mạng; dựng chân dung các đối tượng có điều kiện, khả năng, biểu hiện nghi vấn tới hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ… để ngăn chặn và triệt phá.

Công an TPHCM khuyến cáo, mỗi người dân cần tuyệt đối không tham gia chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Cùng với đó là nâng cao tinh thần tự giác và vận động người thân thực hiện giao nộp các loại vũ khí nguy hiểm, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là các loại súng cho công an địa phương.

5 năm qua, trong cả nước số vụ tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí (dao, kiếm…), linh kiện để lắp ráp là hơn 14.800 vụ (chiếm 76% số vụ phạm pháp hình sự).


Luật sư HÀ HẢI, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Xử lý cả người tàng trữ và sử dụng

Theo quy định, việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đều phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi trường hợp không có giấy phép đều bị coi là trái phép và bị xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép đó. Hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng nếu bị xử lý hình sự thì mức phạt cao nhất là phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1-5 năm.

Tin cùng chuyên mục