Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm đi đầu triển khai các quy định nhằm khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) và chống đánh bắt hải sản trái phép (IUU), ngành thủy sản Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đang bốc đá để ra khơi tại cảng cá Quy Nhơn, chủ tàu lưới vây số hiệu BĐ 95757 TS Hoàng Văn Điệp (60 tuổi, quê ở huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Nay muốn ra vào cảng cá Quy Nhơn để bán hải sản hoặc mua lương thực, đá lạnh đi biển, chúng tôi đều phải khai báo với ban quản lý cảng cá trước một giờ. Quá trình ra vào cảng, chúng tôi đều khai báo nhật ký đánh bắt, khai báo lượng hải sản đánh bắt và làm thủ tục ra vào cảng rất nghiêm ngặt. Trước đây, mới thực hiện thì việc khai báo, làm thủ tục rất khó khăn, nhưng nay thì quen rồi nên làm rất nhanh. Bây giờ cứ phải khai báo chứ không thì không yên tâm…”.
Trao đổi với PV Báo SGGP vào sáng 18-2, Phó Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn Nguyễn Anh Dũng, cho biết, bình quân mỗi năm cảng cá đón nhận 12.000 lượt tàu cá cập cảng để bán hải sản đánh bắt, sản lượng hải sản đạt 40.000 - 45.000 tấn/năm. Bắt đầu từ tháng 4-2018, Cảng cá Quy Nhơn đưa vào vận hành hệ thống kiểm tra, giám sát nhật ký đánh bắt và quy định đăng ký của các tàu cá nhập bến và xuất bến. Đến tháng 5-2019, Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản ra đời, đa số các ngư dân Bình Định đều nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm túc, trên tinh thần tự nguyện. Trong nhiều cuộc họp mới đây, EC đã đánh giá cao việc kiểm soát tàu cá vi phạm IUU và thiện chí khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Phó giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định Nguyễn Văn, phụ trách Cảng cá Đề Gi, nói: “Việc khai báo chúng tôi phối hợp nhịp nhàng với cán bộ tổ IUU của Chi cục Thủy sản. Các số liệu, thông tin, nhật ký khai thác, đánh bắt, lượng cá đánh bắt của các tàu, chúng tôi đều kiểm tra chặt chẽ, cập nhật số liệu liên tục lên hệ thống để cung cấp, đối chiếu, xác thực với các cơ quan của EC…”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, tính đến nay, có trên 3.600 chủ tàu đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar theo quy định của Luật Thủy sản. Địa phương hỗ trợ khoảng 50% chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên và không vượt quá số tiền 10.175.000 đồng/thiết bị/tàu.
Ông Phúc cho biết thêm, trong năm 2018, Bình Định có 22 tàu/175 ngư dân vi phạm, năm 2019 có 19 tàu/130 ngư dân vi phạm. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, chưa có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định quyết định thu hồi giấy phép khai thác vĩnh viễn đối với 41 tàu cá vi phạm trên. Trong đó, quyết định xử phạt 7/41 tàu cá vi phạm với số tiền 600 triệu đồng.
Sau 2 năm triển khai, Bình Định được Bộ NN-PTNT đánh giá cao trong công tác triển khai đồng loạt các biện pháp để khắc phục thẻ phạt EC và nỗ lực IUU. Là một trong những địa phương đi tiên phong, được giao trọng trách nặng nề trong việc lập lại trật tự trong ngành khai thác thủy hải sản xa bờ, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để chống đánh bắt hải sản trái phép, như: xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương có tàu cá vi phạm; chỉ đạo công an tỉnh tăng cường điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân trong nước đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.