Mạnh tay với phim nhảm chiếu mạng

Phim ngắn chiếu mạng (web drama) ngày một nở rộ trên các nền tảng YouTube, TikTok, Facebook. Bên cạnh những sản phẩm mang tính chất giải trí với các tình huống xử lý chân thực, hài hước, nhân văn, cũng xuất hiện ngày càng nhiều nội dung mang tính bạo lực, nhảm nhí…
Mạnh tay với phim nhảm chiếu mạng

Nội dung vô bổ, nhảm nhí

Trào lưu “phim ngắn chiếu mạng” nở rộ nhất từ hơn 5 năm trước. Nhiều kênh có đầu tư kịch bản, thuê diễn viên chuyên nghiệp hoặc không chuyên, đầu tư về trang phục, bối cảnh chỉn chu... tạo nên những phim khá chất lượng. Cũng nhờ có tốc độ sản xuất nhanh, nắm bắt xu hướng tốt, nên nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận, thu hút hàng triệu lượt xem. Thậm chí các phim ngắn chiếu mạng còn được chọn làm “thước đo” khán giả trước khi được đầu tư lớn để làm phim điện ảnh và đã thành công, như Bố già của Trấn Thành là một ví dụ.

Song có lẽ, do đây là một loại hình sản xuất nội dung mới xuất hiện, khó tách bạch giữa các chương trình sản xuất thực tế và phim ảnh nên chưa bị ràng buộc bởi các quy định, điều luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho phim ngắn chiếu mạng phát triển như nấm sau mưa và không ít trong đó có nội dung “bẩn” đánh vào thị hiếu tầm thường, những câu chuyện xoay quanh tiền bạc, phản bội, chửi bới, đánh ghen, gây hại cho đồng nghiệp… Ngôn từ sử dụng trong các sản phẩm này cũng tùy tiện, thiếu chuẩn mực, nhiều tình tiết vô lý, quá lố, những bi kịch đến hoang tưởng không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Một bộ phim ngắn chiếu mạng được trình chiếu thời gian qua

Một bộ phim ngắn chiếu mạng được trình chiếu thời gian qua

Tất nhiên, không phải phim ngắn chiếu mạng nào cũng đi theo hướng tiêu cực như vậy nhưng sự lan truyền trên mạng quá nhiều khiến người tiếp nhận, đặc biệt những đối tượng trẻ vị thành niên, trẻ em khó phân biệt thật - giả. “Khi trên các clip, video trên mạng, ai cũng có thể trở thành người tồi tệ, nguy hiểm, lừa dối, không tôn trọng tình yêu, tình cảm, hẳn sẽ khiến người trẻ hoang mang và nghi ngờ”, PGS-TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.

Phối hợp để dẹp nội dung xấu độc

Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ cùng với Cục Điện ảnh triển khai các giải pháp kiểm tra, rà soát, xử lý các sản phẩm có nội dung vi phạm trên không gian mạng. Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, ngoài việc chủ động tiếp nhận thông tin, phát hiện để xử lý vi phạm, còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm tra, rà soát nội dung phim, việc hiển thị cảnh báo, phân loại phim nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, xử phạt hành chính theo quy định.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL, cho biết, những năm gần đây, việc quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa Bộ TT-TT, Bộ Công an - cơ quan quản lý các nền tảng, phương tiện phát sóng và Bộ VH-TT-DL - cơ quan quản lý về nội dung làm phim.

Dẫn các quy định tại Luật Điện ảnh 2022, ông Thành nêu rõ, một số nội dung số được đăng tải, lan truyền trên TikTok, YouTube, Instagram, Facebook, Zalo... thường được gán với tên gọi phim ngắn chiếu mạng chỉ được xếp vào loại hình “sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế”, chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng.

Trường hợp các sản phẩm ghi hình được xác định là phim thì chủ thể của phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim.

Để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực do những sản phẩm này gây ra khi phát tán trên môi trường số, Cục Điện ảnh vừa có đề xuất với lãnh đạo bộ một số nội dung như: thống nhất với lãnh đạo Bộ TT-TT về phạm vi, đối tượng quản lý các nội dung trên không gian mạng; đề xuất lãnh đạo Bộ VH-TT-DL có văn bản gửi Bộ TT-TT đề nghị hướng dẫn các nhà cung cấp nội dung trên không gian mạng thực hiện nghiêm túc Luật Điện ảnh…

“Trường hợp các nhà cung cấp nội dung chưa thể tự phân loại phim, có thể gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý về điện ảnh xin thẩm định và phân loại. Cục Điện ảnh cũng sẽ đề nghị lãnh đạo bộ cho thành lập Phòng quản lý phim trên không gian mạng thuộc cục để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mới này”, ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, với những người bật nút kiếm tiền trên mạng xã hội nên chăng có thêm yêu cầu phải trải qua các khóa đào tạo, được cấp chứng chỉ về nghiệp vụ, đạo đức… của người sáng tạo nội dung trên môi trường số. Trong trường hợp sản phẩm họ làm ra xác định có vi phạm thì cùng với việc phạt hành chính mạnh để có sức răn đe, cần có những hình thức phạt bổ sung như tham gia các khóa học tập để nâng cao trách nhiệm với cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục