Trong cuộc tọa đàm về đổi mới quản lý hoạt động vận tải được tổ chức tại Hà Nội ngày 2-6, đại diện Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải và các doanh nghiệp đã cho ý kiến về phương thức quản lý đối với những loại hình vận tải mới như xe hợp đồng Limousine, Uber, Grab…
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, xe hợp đồng trá hình từ lâu được coi là vấn nạn. Các cơ quan quản lý đã tìm cách “trói”, xử lý nghiêm bằng cách đưa ra Nghị định 91, Nghị định 93, Nghị định 86, nhưng vẫn không giải quyết được. Không những thế, thời gian gần đây còn phát sinh ra nhiều hình thức hoạt động tinh vi hơn. Điều đáng nói là, loại hình vận tải này đã đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ của người dân. Về nguyên tắc, loại hình vận tải nào phục vụ được hành khách hàng ngày một tốt hơn, thuận tiện hơn, văn minh hơn thì cần phải tạo điều kiện cho nó phát triển. Tuy nhiên, quản lý thế nào thì các cơ quan vẫn đang hết sức lúng túng.
Cơ quan chức năng đang lúng túng với viếc quản lý loại hình vận tải mới như xe hợp đồng Limousine, Uber, Grab…
Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, không nên ngăn cấm loại hình taxi công nghệ Grab, Uber, vì từ khi xuất hiện loại hình này đã chia sẻ và góp phần hạn chế xe cá nhân, tận dụng phương tiện nhàn rỗi trong dân và hình thành một loại hình vận tải. Hiện số lượng 2 loại này gấp đôi xe truyền thống. Nếu hạn chế, người lao động không được bảo vệ mà nhiều người có dấu hiệu phá sản vì trót vay tiền mua xe giờ không được chạy. “Tôi không bảo vệ taxi truyền thống vì taxi truyền thống có nhiều khuyết tật buộc phải đổi mới, nhưng cũng cần làm rõ Uber, Grab giảm giá nhiều, đưa ra nhiều chiêu khuyến mại có phải do trốn thuế hay không”, ông Thanh nhấn mạnh. Cũng đồng thuận trên tinh thần dịch vụ nào tốt cho người dân thì cần được tạo điều kiện để phát triển nhưng phải trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tất cả các loại hình phương tiện vận tải khách cần lắp định vị GPS, lắp thêm camera để nâng cao khả năng quản lý.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, lâu nay việc quản lý nghĩa vụ tài chính giữa taxi truyền thống và Uber, Grab còn mập mờ. Nghị định 86 sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Tới đây, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý hiệu quả hơn. Không chỉ Uber, Grab mà tất cả loại xe ứng dụng công nghệ đều phải đăng ký kinh doanh. Các cơ quan chức năng không thể tuần tra xử phạt liên tục, nhưng khi phát hiện được các đối tượng này vi phạm, phải xử phạt nặng. Hiện chúng ta còn đang xử lý chưa thật mạnh tay, chưa đủ sức tính răn đe. Nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay. ° Cùng ngày, Sở GTVT TPHCM cho biết vừa kiến nghị UBND TP chưa cho phép Uber thực hiện thí điểm hợp đồng vận tải điện tử tại TPHCM. Cụ thể, sở đề nghị tạm thời chưa cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là hợp đồng điện tử) trong năm 2017. Lý do, hiện TPHCM đã có các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử gồm Grab, V.Car (Vinasun Car) và mới đây là M.Car (Mai Linh Car). Việc tạm dừng cho phép các xe Uber hoạt động là nhằm khống chế phát sinh số lượng xe hợp đồng điện tử tham gia thí điểm, vốn được cho là làm ảnh hưởng đến trật tự vận tải và quy hoạch phát triển taxi trên địa bàn TP. Theo Sở GTVT, từ năm 2014 đến nay, hoạt động của xe Uber tại TP chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Việc Uber hoạt động chưa đúng quy định gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của các đơn vị kinh doanh taxi và các đơn vị đang thực hiện thí điểm hợp đồng điện tử…