Theo giải thích từ phía các hãng hàng không, thì chậm, hủy chuyến bay là hệ quả của một dây chuyền với nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan của hãng hàng không và khách quan từ cơ sở hạ tầng, nhà chức trách. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã không đồng tình với việc các bên đều đưa ra lý do và đổ lỗi cho những cơ quan khác. Bộ trưởng đặt câu hỏi: Các giải pháp kéo giảm chậm, hủy chuyến bay đã được thực hiện đúng chưa? Việc xử phạt như thế nào, chế tài đã đủ mạnh chưa? Những câu hỏi này rất đích đáng khi tình trạng chậm, hủy chuyến bay dường như là căn bệnh nan y đối với ngành hàng không.
Hầu như năm nào, trước và sau các dịp cao điểm, lãnh đạo Bộ GTVT, Cục HKVN đều tổ chức các cuộc họp nhằm phân tích, mổ xẻ nguyên nhân tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Đã có rất nhiều giải pháp liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các đơn vị như Cục HKVN, Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Cảng HKVN, các hãng hàng không… được đưa ra. Thế nhưng, mặc cho những nỗ lực của các nhà chức trách, bức xúc của hành khách về tình trạng chậm hủy chuyến vẫn tăng dần đều cùng với sự tăng trưởng nóng của thị trường hàng không. Bằng chứng là, theo thống kê mới nhất của Cục HKVN, tình trạng chậm, hủy chuyến bay vẫn cao. Riêng trong tháng 7-2018, 4 hãng hàng không của Việt Nam đã khai thác 27.500 chuyến bay, trong đó có 5.299 chuyến bay bị chậm, hủy chuyến (số chuyến bay chậm giờ là 5.212 chuyến), chiếm tỷ lệ 19%. Con số này đã cao hơn tỷ lệ trung bình của 7 tháng đầu năm nay và cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vậy phải chăng giải pháp mà các cơ quan quản lý đưa ra đã không phù hợp với thực tế hay nó đã không được thực thi một cách nghiêm túc nên không thể phát huy hiệu quả? Còn nhớ, việc điều phối chuyến bay để giảm tải cho khung giờ cao điểm đã từng được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Thế nhưng, trên thực tế, các hãng hãng không và các đơn vị liên quan đều không mặn mà. Các hãng và hành khách vẫn thích chen nhau trong khung giờ vàng vì không nhìn thấy lợi ích nào hơn từ việc bay đêm. Cũng trong nhiều năm qua, hầu như không có hãng hàng không nào bị xử phạt vì để chậm, hủy chuyến, vì không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng, vì chưa phục vụ, đền bù cho hành khách bị chậm hủy chuyến theo đúng quy định. Máy bay có thể chậm nhiều giờ trong khi hành khách đến chậm vài phút đã mất quyền lên máy bay.
Theo Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng, chỉ có tăng giám sát, tăng chế tài xử phạt mới có thể cải thiện tình trạng chậm, hủy chuyến. Một trong những giải pháp sẽ được thực hiện sắp tới là, thay vì máy bay nào đến trước được hạ cánh trước, những chuyến bay chấp hành kế hoạch bay tốt nhất sẽ được ưu tiên hạ cánh, máy bay đến trước nhưng chậm giờ phải bay chờ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu chế tài thu hồi giờ cất hạ cánh (slot) với những trường hợp để xảy ra chậm, hủy chuyến nhiều, có chế tài rõ ràng đối với những trường hợp dồn chuyến, chậm, hủy chuyến. Các cơ quan quản lý cũng nghiên cứu giảm slot trong những giờ thời tiết xấu có thể dự đoán được, ví dụ như thời gian từ 5 - 7 giờ chiều tại Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, sẽ chuẩn hóa quy định về thời gian quay đầu của hãng hàng không, chuẩn hóa quy định về hệ số dự phòng, đầu tư hạ tầng đảm bảo bay đêm... Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu, từ ngày 1-10, Cục HKVN phải triển khai ngay một số giải pháp, tạo chuyển biến về chất lượng dịch vụ trong dịp Tết Dương lịch, Âm lịch sắp tới, đảm bảo không để hành khách phải chờ đợi quá lâu tại các sân bay.