Mạnh tay trấn áp tội phạm nguy hiểm

Sự hy sinh của trung úy Lê Thanh Tâm, học viên thực tập khóa K16, Trường Trung học Cảnh sát Nhân dân II, trong lúc truy đuổi bọn cướp hung hãn để bảo vệ tính mạng của người dân ở huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai là một hành động dũng cảm, được xã hội tôn vinh. Bọn tội phạm sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh. Nhìn lại hành trình truy bắt bọn cướp hung hãn, sẵn sàng dùng súng chống trả quyết liệt các chiến sĩ công an, quần chúng tham gia bắt tội phạm, ai cũng thấy sự nguy hiểm chực chờ họ.

Trước tình hình tội phạm giết người cướp của ngày càng gia tăng và đối tượng phạm tội ngày càng liều lĩnh, sử dụng súng, vũ khí tự chế tràn lan, người dân cảm thấy bất an. Đáng lo sợ hơn cả là vẫn còn hơn 17.000 đối tượng truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội (theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm vừa công bố). Cùng với đó, xã hội còn lo con số không ít đối tượng được ra tù nhưng không chịu quay về đường ngay...

Điểm qua hàng loạt vụ án nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta không khỏi lo sợ trước thực trạng các loại tội phạm ngang nhiên sử dụng vũ khí tấn công người dân để cướp của và chống lại người thi hành công vụ, ngay cả khi lực lượng chức năng đã nổ súng cảnh báo (ở TPHCM, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng).

Sự hung hãn này cho thấy tính chất phạm tội cũng như tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng phức tạp. Chính vì thế, nếu chúng ta nương tay và không có các biện pháp cứng rắn, truy quét chúng đến cùng thì kẻ ác còn tấn công dân lành, cướp đi tính mạng, tài sản của người dân vô tội.

Có thể nói việc công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012 là một quyết định kịp thời, được dư luận hoan nghênh. Nhờ có biện pháp chế tài này, chúng ta sẽ ngăn chặn được các vi phạm về sử dụng, chế tạo, tàng trữ vũ khí tràn lan và góp phần trấn áp tội phạm nguy hiểm.

Việc quy định “Người thi hành công vụ được nổ súng khi tính mạng bị đe dọa” là một điểm mới, góp phần bảo vệ tính mạng của những người bảo vệ pháp luật và quần chúng dũng cảm, nhiệt tình tham gia truy bắt tội phạm, phá án.

HÀ NGUYÊN


Áo giáp chống đạn cho công an

Nhìn vết thương rỉ máu trên ngực trung úy Lê Thanh Tâm khi bác sĩ lau đi để tẩm liệm anh, trong nỗi bàng hoàng và xúc động, chúng tôi chợt nghĩ giá như anh có mặc áo khoác chống đạn thì có lẽ đã không phải hy sinh chỉ vì một viên đạn?

Hiện nay, bọn tội phạm rất liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để chống trả những người thi hành công vụ. Nước ta đã có pháp lệnh nghiêm cấm mọi cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhưng, bọn tội phạm thường dễ dàng mua được những thứ này ở những vùng giáp biên.

Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 196 vụ án có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, trong đó riêng tại thủ đô Hà Nội đã xảy ra 32 vụ phạm tội sử dụng “hàng nóng”. Lực lượng công an đã được trang bị khá đầy đủ một số công cụ hỗ trợ, tuy nhiên với những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm rất cần trang bị thêm cho những người thi hành công vụ áo giáp chống đạn.

LÊ TĂNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục