Ông Phumtham nêu rõ, các nền tảng trực tuyến đã trở nên phổ biến đối với các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng chúng để bán những mặt hàng vi phạm quyền sở hữu và do đó, làm tổn hại đến hình ảnh của Thái Lan. Bộ Thương mại Thái Lan cũng yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký bằng sáng chế cho các sản phẩm của mình để bảo vệ chúng khỏi bị sao chép. Ông Phumtham nói thêm, bộ sẽ thúc đẩy việc đăng ký thêm nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (GI) nhằm quảng bá thêm sức mạnh mềm của đất nước.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Vuttikrai Leewiraphan, cục sẽ có biên bản ghi nhớ được ký giữa 30 chủ sở hữu bản quyền và 3 nền tảng giao dịch trực tuyến quan trọng là Lazada, Shoppee và TikTok Shop để ngăn chặn vi phạm bản quyền.
Ông Vuttikrai cho biết, 30 doanh nghiệp có thể thông báo trực tiếp cho 3 nền tảng nói trên nếu họ thấy sản phẩm của mình bị sao chép và bán trên nền tảng. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang tìm kiếm sự hợp tác từ Facebook để trấn áp hành vi vi phạm bản quyền. Facebook đã phản hồi bằng cách thông báo đang phát triển các công cụ để loại bỏ các sản phẩm vi phạm bản quyền.
Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, 3 nền tảng Lazada, Shopee và TikTok Shop đã được thông báo về 960 mục vi phạm bản quyền và đã xóa các mục này sau khi nhận được thông báo. Các mặt hàng bao gồm hộp mực giả, giày thể thao, quần áo, mỹ phẩm và phụ tùng ô tô.
Trước đó, Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan (DESM) đưa ra kế hoạch trấn áp những kẻ lừa đảo trực tuyến gồm: phòng tác chiến, trí tuệ nhân tạo (AI) và vaccine mạng. Bước đầu tiên trong kế hoạch là thành lập Trung tâm chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, hay Phòng tác chiến. Trung tâm này có nhiệm vụ thực hiện các hành động tích cực chống lại tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo tài chính và các mối đe dọa trực tuyến khác như giả danh quan chức hoặc cơ quan chính phủ và tạo ra các trang web giả mạo để lừa đảo nạn nhân.
Phần thứ hai của kế hoạch là sử dụng công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như phân tích dữ liệu và AI, để giám sát thông tin trực tuyến về tin tức giả mạo thông qua một trung tâm chống tin tức giả mạo. Trung tâm sẽ cho phép mọi người kiểm tra URL (hệ thống định vị tài nguyên thống nhất) của các trang tin tức hoặc thông tin. Giới chức sẽ sử dụng AI để kiểm tra cơ sở dữ liệu của các trang tin giả đã tích lũy trong hơn 4 năm và phân tích xem thông tin đó có khớp với mô hình tin giả trước đây hay không.
Ở phần “vaccine mạng”, DESM sẽ cung cấp cho những người có nguy cơ bị lừa đảo cao là trẻ em, học sinh và người cao tuổi. Bộ trưởng DESM Prasert Chantararuangthong giải thích: “Chúng tôi sẽ cung cấp các hoạt động học tập phù hợp cho những nhóm này để họ có thể phát triển khả năng “miễn dịch” trước những kẻ lừa đảo và tin tức giả mạo”. Theo ông, bằng cách phổ biến khả năng “miễn dịch” ở cấp độ gia đình và cộng đồng, DESM có thể tạo ra văn hóa thận trọng khi đọc tin tức và chia sẻ thông tin qua Internet và cuối cùng là giảm nguy cơ bị lừa đảo.