Trên thực tế, nước này đã từng bước thực hiện thành công việc trả rác thải phế liệu về cho các nước đã đẩy hàng đi. Tương tự, Philippines cũng tái xuất một lô hàng rác cho Canada, Indonesia chuyển rác trả Mỹ. Chưa hết, Philippines còn xem những kẻ nhập lậu rác thải như những kẻ phản quốc. Qua tìm hiểu, Bộ TN-MT Việt Nam cho biết, để tái xuất số phế liệu đến các quốc gia nói trên, các nước này đã mất nhiều thời gian đấu tranh bằng con đường ngoại giao. Ví dụ, Philippines mất ròng rã 5 năm. Hiện tại, Việt Nam cũng đang học hỏi các nước để đẩy nhanh tiến độ tái xuất rác phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.
Nhiều năm qua, các quốc gia phát triển có xu hướng đẩy rác thải công nghiệp sang những nước khác để xử lý, đỡ tốn kém. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia này đẩy hàng độc hại sang các nước nhập hàng với chi phí siêu rẻ. Các quốc gia kém phát triển sẽ là điểm cập bến của những container hàng có nguy cơ phát sinh bệnh tật.
Nhìn vào bài học từ các quốc gia Đông Nam Á, nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần làm mạnh tay và buộc tái xuất, trả số rác phế liệu về chính các nước xuất hàng. Đây không chỉ là việc phải làm đúng đạo lý “ai xả thải, người đó phải xử lý”, mà còn có một thực tế nữa là trình độ xử lý chất thải của doanh nghiệp nước ta chưa cao, không thể xử lý rốt ráo, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường với số rác thải này. Rác thải, nhất là rác thải công nghiệp, nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Chưa kể, chi phí xử lý đúng sẽ rất cao.
Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia là điểm đến của những container phế liệu cần liên kết chặt chẽ, cùng hành động ngăn chặn rác thải “chảy” về. Sự chung tay cùng cất lên tiếng nói, lên án mạnh mẽ các hoạt động xuất nhập khẩu phi pháp rác thải phế liệu là điều cần làm ngay lúc này.