Hãng tin Nga TASS ngày 10-10 đưa tin, Chính phủ Nga sẽ soạn thảo bộ quy tắc đạo đức ứng xử trên mạng xã hội để chỉ ra những gì có thể và không thể làm trong không gian mạng, nội dung nào là bất hợp pháp hoặc bị cấm đăng tải trên mạng xã hội. Quy tắc này cũng sẽ được ký kết với các đối tác nước ngoài để có cách tiếp cận chung trong việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên mạng.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tuyên bố “tin tức xuyên tạc” như một kẻ hủy diệt nền dân chủ. Từ ngày 15-9 đến nay, cảnh sát Hàn Quốc bắt đầu tăng cường kiểm soát các tin tức giả, tiến hành chặn hoặc xóa hàng chục tin tức sai sự thật, trong đó điều tra đối với 16 tin tức có mức độ vi phạm nghiêm trọng, nhằm tìm ra đối tượng đứng sau để xử phạt thích đáng. Trước đó, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc Min Gap-ryong tuyên bố sẽ xử phạt nặng các đối tượng cố tình phát tán, chia sẻ các thông tin bị xuyên tạc thông qua mạng xã hội.
Từ Đông sang Tây, việc lan truyền, phát tán tin tức xuyên tạc và giả mạo đang nóng lên hàng ngày. Tháng trước, Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Truyền thông, Kỹ thuật số (DMSCC) thuộc Hạ viện Anh yêu cầu các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý trước thông tin giả mạo “đe dọa nền dân chủ” và chính phủ nước này cần phải siết chặt quản lý mạng xã hội. Yêu cầu trên được đưa ra sau khi ủy ban này tiến hành cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm về những tin tức giả mạo trên Internet với hơn 20 phiên điều trần, 61 nhân chứng, đồng thời sang Mỹ chất vấn đại diện của Facebook, Twitter và Google. DMSCC yêu cầu chính phủ áp đặt mức thuế, hình phạt tài chính mới và xác định rõ “trách nhiệm pháp lý” đối với các công ty công nghệ như Facebook và Twitter.
Theo Financial Times, báo cáo là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Bắc Mỹ đang chuyển hướng hoài nghi sang các ông lớn mạng xã hội, những bên từng được coi là các nhà lãnh đạo của một cuộc cách mạng về tự do ngôn luận và tương tác của nhân loại. Chính phủ Đức từ tháng 1 bắt đầu áp dụng luật phạt nặng các công ty mạng xã hội. Facebook, Twitter sẽ bị phạt đến 50 triệu EUR nếu không xóa, chặn “tin tức giả mạo”, ngôn từ thù địch và nội dung bất hợp pháp khác trong vòng 24 giờ.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một dự luật mới, yêu cầu các nhà mạng như Google, Facebook, Twitter và các nhà khai thác Internet khác phải xóa bỏ các nội dung cực đoan chỉ trong vòng 1 giờ sau khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng cấp quốc gia. Nếu các công ty khai thác Internet không gỡ bỏ nội dung cực đoan theo quy định có thể phải đối mặt với mức tiền phạt lên đến 4% doanh thu toàn cầu hàng năm. Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu các nhà khai thác Internet nên thực hiện nhiều biện pháp chủ động, chẳng hạn như phát triển các công cụ mới để giám sát nội dung.