Giảm giá từ trực tiếp đến trực tuyến
Hoạt động khuyến mãi, giảm giá không còn xa lạ với người tiêu dùng bởi không chỉ có các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà ngay cả các shop thời trang, các trang thương mại điện tử cũng liên tục có các đợt khuyến mãi lớn.
Từ cuối tháng 5-2024 đến nay, khảo sát tại một số hệ thống siêu thị lớn ở TPHCM như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… hay các sàn thương mại điện tử đã có rất nhiều đợt khuyến mãi được đưa ra. Chẳng hạn, ở kênh bán hàng trực tiếp, đại diện nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, ngay sau khi kết thúc đợt khuyến mãi “Sắc hè rực rỡ - Deal giảm hết cỡ” với việc giảm giá mạnh từ 18%-40% hơn 1.000 sản phẩm thì từ ngày 30-5 đến 12-6, nhà bán lẻ này tiếp tục thực hiện đợt giảm giá mới.
Theo đó, toàn hệ thống hơn 800 điểm bán (bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, Sense Market) thuộc Saigon Co.op tổ chức chương trình “Lễ hội mua sắm cho mẹ và bé”. Trong chương trình, Saigon Co.op tung hơn 1.000 sản phẩm dành riêng cho khách hàng nhí với mức giảm giá đến 50%, tập trung ở các nhóm hàng bánh kẹo, đồ uống, quần áo, đồ chơi an toàn, sữa tắm, khăn giấy, tã bỉm... Đặc biệt, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, Sense Market Co.op còn triển khai các hoạt động vui chơi, vẽ tranh, tô tượng… với nhiều phần quà tặng cho các khách hàng nhí khi đi mua sắm cùng bố mẹ.
Ở kênh trực tuyến, nhiều sàn thương mại điện tử cũng đang chính thức khuấy động mùa hè với “Lễ hội mua sắm 6-6” thông qua loạt ưu đãi như voucher giảm giá, miễn 100% phí ship… cho người tiêu dùng.
Góp phần kéo sức mua
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ các nhà bán lẻ từ trực tiếp đến trực tuyến liên tục tung ra khuyến mãi lớn là do sức mua thời gian qua có phần chậm lại. Theo số liệu được công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước ước đạt hơn 1.998 ngàn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023 (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Mặc dù con số này đang tăng trưởng dương, song ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận xét, tốc độ tăng trưởng của thương mại và tiêu dùng nội địa trong 5 tháng đầu năm có tăng, nhưng ngành dịch vụ cao hơn thương mại. Điều này phản ánh những khó khăn ở phía cầu của người tiêu dùng khi xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh. Lý giải điều này, theo ông Đức, do “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp chưa ổn định, kéo theo đó là thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Điều này đã và đang tạo áp lực lên doanh thu của nhà bán lẻ trong những tháng đầu năm.
Giải quyết khó khăn của thị trường, đồng thời cũng là để kích cầu tiêu dùng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở đã mạnh dạn tham mưu với lãnh đạo UBND TPHCM xin phép Bộ Công thương tổ chức “Tháng khuyến mãi tập trung” kéo dài 3 tháng thay vì 1 tháng. Theo ông Phương, việc kéo dài 3 tháng sẽ giúp doanh nghiệp lập kế hoạch khuyến mãi phù hợp, từ đó giúp doanh thu bán hàng tốt hơn. Về chương trình khuyến mãi năm nay, ông Phương cho biết, sẽ chia làm 2 đợt: đợt 1 diễn ra từ ngày 15-6 đến 15-9; đợt 2 diễn ra từ ngày 15-11 đến 31-12. Chương trình cho phép thương nhân tham gia được áp dụng khuyến mãi lên đến 100%. “Mùa mua sắm khi được tổ chức sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố”, ông Phương kỳ vọng.
Theo đánh giá chung của các nhà bán lẻ, việc thực hiện khuyến mãi đồng loạt và liên tục sẽ góp phần giúp doanh thu bán lẻ tăng đáng kể. Tuy nhiên, về lâu dài, khuyến mãi liên tục không phải là giải pháp triệt để nhằm giải quyết câu chuyện kích cầu. Do vậy, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, ngoài khuyến mãi rất cần những giải pháp khác để “củng cố” sức khỏe cho doanh nghiệp. “Cần có những giải pháp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, ngành hỗ trợ liên quan như thị trường bất động sản, lãi suất, giá vàng, ngoại tệ… nhằm tạo niềm tin tốt hơn cho người tiêu dùng. Ngoài ra các ngành liên quan đến phân phối như logistics, công nghệ… cần quy hoạch lại và hỗ trợ phù hợp để tạo đà thúc đẩy cho ngành bán lẻ”, ông Đức đề xuất.