Hiện tượng này không mới, song sự xuất hiện trở lại của những ca khúc bị gọi là “rác” này trong thời gian qua khiến dư luận lo ngại. Vẫn biết, âm nhạc cần có sự phóng khoáng và cởi mở, nhưng những ngôn từ, hình ảnh cổ súy giới trẻ lối sống cá nhân, vị kỷ, chỉ biết ăn chơi đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ, “ăn mòn” tư duy, cảm xúc, nhân cách của giới trẻ.
Việc lựa chọn ca khúc nào để giải trí là quyền tự do của mỗi người, không thể cấm đoán hay ép buộc. Song như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng nhận xét, bài hát có thể hay, hoặc chưa hay; có thể dở, hoặc không hợp thời; có thể mang tính thị trường, hay mang chất học thuật, sao cũng được, nhưng tuyệt đối không được vô sỉ, vì đó là đứa con tinh thần của mỗi nhạc sĩ, là đại diện cho tâm hồn và phông văn hóa của nhạc sĩ đó.
Nghệ sĩ ngày nay có nhiều cách để đến với công chúng nhanh hơn, lan tỏa tác phẩm rộng rãi hơn nhờ mạng xã hội. Nhưng bên cạnh những người tận dụng hiệu quả các công cụ này để tỏa sáng thì cũng không ít người tài năng có hạn, lại muốn nhanh được nổi tiếng, nên đã chọn đưa ra những sản phẩm dị hợm, sử dụng ngôn từ phản giáo dục, ngô nghê đến lố bịch, suồng sã, dễ dãi, hằn học và tục tĩu… Họ những mong cách này có thể thu hút khán giả, kiếm view, hoặc muốn được chú ý, làm nóng tên tuổi. Song đó là con đường sai lầm, bởi thực tế, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật muốn có vị trí trong lòng khán giả đều cần phải có những bệ đỡ là kiến thức, là những cảm xúc trong sáng, văn minh…
Liên quan tới nhạc “rác”, nhạc “nhảm”…, cơ quan quản lý cũng đã nhiều lần xử phạt. Song có lẽ mức phạt hành chính vài chục triệu đồng chưa đủ sức răn đe nên chỉ sau một thời gian ngắn lại thấy nhạc “nhảm” xuất hiện. Phải chăng sự phổ biến quá dễ dàng, tự do trên các trang mạng, lỗ hổng quản lý, và công chúng cũng dễ dãi là những điều kiện để cho thứ sản phẩm “rác” này có đất xuất hiện. Thay vì để đám đông tò mò, a dua, rất cần sự nghiêm khắc hơn nữa của cơ quan quản lý, của nhà tổ chức; cần hình thành thói quen gạn đục, khơi trong, cần thái độ cương quyết không dung túng cho cái xấu, cái nhảm của mỗi người nghe nhạc để âm nhạc tử tế được tôn vinh, tỏa sáng.