Hộ gia đình, cá nhân là những đối tượng chủ yếu có hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Nhiều ý kiến cho rằng, để xử lý tình trạng này, bên cạnh việc nâng cao nhận thức bằng biện pháp tuyên truyền, thành phố cần có chế tài xử phạt nghiêm.
Ghi nhận tại phường Tam Bình (quận Thủ Đức) cho thấy, dọc tuyến đường Kha Vạn Cân rác thải bỏ ra đây rất nhiều, không chỉ rác sinh hoạt mà còn có rác công nghiệp, rác xây dựng chất thành từng đống cao, chỉ cần một ngày thu gom không kịp là ruồi muỗi xuất hiện nhiều, mùi hôi bốc lên khó chịu.
Cô Lê Thị Cúc, cư dân tại đây, cho biết ở khu vực này rác ùn ứ liên tục. Người ta cứ đổ tràn lan ra ngoài đường, chắn hết đường đi, trong khi công tác thu gom thì chậm; đã nhiều năm nay, gia đình cô phải sống chung với ô nhiễm. Mỗi lần họp tổ dân phố, người dân đều đề cập đến nhưng tình trạng vẫn không thay đổi.
Điều này cũng đã và đang diễn ra tương tự tại phường 9, quận Tân Bình; khu vực Thủ Thiêm, quận 2; xã Vĩnh Lộc, xã Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh; đường Trường Chinh, quận 12...
Trao đổi về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết đang tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM sớm xem xét các đề xuất của sở về tăng cường hiệu quả công tác xử phạt các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016.
Ông Châu Hoàng Thanh, Trưởng ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cũng thông tin thời gian tới, MTTQ sẽ phối hợp với các tổ chức khác tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi. Song song đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên dương, nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” gắn với thực hiện phong trào “Vì thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn”.