Mạnh tay đầu tư công nghệ thông tin để xây dựng đô thị thông minh

Tỉnh Tây Ninh vừa quyết định thành lập Nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh giai đoạn 2017-2021, xây dựng đô thị thông minh từ nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai xây dựng chính quyền điện tử. 

 

Người dân thực hiện thủ tục hành chính qua điện thoại tại Trung tâm Hành chính công Tây Ninh
Người dân thực hiện thủ tục hành chính qua điện thoại tại Trung tâm Hành chính công Tây Ninh

Hình thành chính quyền điện tử 

Ông Nguyễn Tấn Đức, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, Phó Trưởng nhóm công tác của tỉnh Tây Ninh, cho biết đột phá ứng dụng CNTT là chủ trương mới của tỉnh nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, hướng tới hình thành chính quyền điện tử với mục tiêu trong năm nay sẽ thành lập thí điểm trung tâm giám sát điều hành (giai đoạn 1) trên nhiều lĩnh vực như hệ thống camera giám sát, đồng bộ dữ liệu kinh tế - xã hội, an toàn thông tin, y tế - giáo dục và số liệu theo dõi về môi trường.
 
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên xây dựng trục liên thông dữ liệu (giữa các hệ thống trên địa bàn tỉnh và giữa các hệ thống của tỉnh với Trung ương) để đảm bảo tính tiện ích, rút ngắn thời gian xử lý trên các hệ thống phần mềm. Đồng thời, triển khai các thành phần của kiến trúc chính quyền điện tử, như xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu dùng chung cho chính quyền số tỉnh Tây Ninh, làm nền tảng triển khai các ứng dụng trong các ngành, tạo lập dữ liệu trên các hệ thống. Từ đó, thực hiện liên thông, tích hợp dữ liệu về trung tâm dữ liệu để phục vụ chung cho các hệ thống khác có liên quan và cung cấp thông tin cho trung tâm điều hành thông tin.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, tỉnh Tây Ninh đã có nền tảng hạ tầng CNTT khá cơ bản, bao gồm nguồn nhân lực và hạ tầng kỹ thuật ở hầu hết các cơ quan nhà nước từ cấp xã đến cấp tỉnh. Hiện tỉnh này có 3.994 máy tính trang bị cho cán bộ công chức (đạt 96%, riêng cấp huyện và cấp tỉnh là 100%). Tỉnh cũng đã trang bị hệ thống phòng chống tấn công DdoS; hệ thống quản lý mật khẩu tập trung RSA, cùng hệ thống lưu trữ SAN (Storage Area Network) để bảo mật và an toàn thông tin dữ liệu cho tất cả các cơ quan trên địa bàn trước khi đưa vào vận hành đồng bộ chính quyền điện tử. Tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc gia TPHCM để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CNTT và lập dự án, xây dựng các phần mềm, hệ thống dữ liệu, xử lý sự cố...  Đặc biệt, từ tháng 3-2018, tỉnh Tây Ninh đã đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công (giai đoạn 1) làm đầu mối để thực hiện việc công khai hướng dẫn, tiếp nhận thủ tục hành chính; theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân của bộ phận một cửa hiện đại, theo quy chế phối hợp giữa Trung tâm Hành chính công với các sở ngành và tham gia đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính và ứng dụng CNTT; áp dụng hệ thống phần mềm điện tử, tin học hóa tất cả các giao dịch hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại đây, từ tháng 11-2018, người dân chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông minh để nộp hồ sơ thủ tục hành chính, theo dõi tiến độ và nhận các phản hồi liên quan cũng như kết quả xử lý qua tin nhắn của cơ quan chức năng. Cũng với các thiết bị di động, doanh nghiệp có thể kiểm tra được các quy hoạch chi tiết từng khu vực, danh mục hồ sơ, quy trình xử lý…

98% hồ sơ được giải quyết đúng hạn

Việc triển khai các giải pháp mang tính đột phá trong ứng dụng CNTT đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp giám sát, phản biện chính quyền; đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm 60% - 70% kinh phí (in ấn, chuyển phát, thời gian...). Tỉnh Tây Ninh hiện có 28 cán bộ chuyên trách về CNTT, 81% số cán bộ công chức của tỉnh được đào tạo về CNTT và hiện đã đưa vào vận hành phần mềm một cửa điện tử theo mô hình hệ thống tập trung (mô hình client - server trên nền web hay dạng windows form) với tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 100%. Tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện là 100% và tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã cũng đạt 100%. Trong năm 2017, tổng số hồ sơ được giải quyết đúng hạn là 157.732 hồ sơ, đạt 98%. Số cuộc họp qua hệ thống hội nghị truyền hình trên tổng số cuộc họp giữa UBND tỉnh với các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện từ ngày 1-1-2018 đến 31-8-2018 là 15/149 cuộc họp. Tính đến nay, tỉnh Tây Ninh đã có 39 cơ quan từ cấp huyện đến cấp tỉnh triển khai họp “không giấy”.


Việc ứng dụng CNTT đã tạo nền tảng để xây dựng đô thị thông minh; trong đó, giải pháp đột phá trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử để tạo nhiều thuận lợi phát triển 2 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Việc quản lý, dự báo tình hình bằng phần mềm sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh, chính xác và gắn với thực tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, với tầm nhìn xây dựng đô thị tỉnh Tây Ninh thông minh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung cụ thể hóa các chương trình kế hoạch đột phá của từng nhóm công việc như về giao thông, du lịch, cải cách hành chính, nhân lực... để đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Với các nhóm công việc đang được triển khai đồng bộ, bước đầu người dân, doanh nghiệp đánh giá tỉnh Tây Ninh đang đi đúng hướng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển thêm các phần mềm để người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng, truy cập thông tin một cách dễ dàng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất với các quy hoạch, quy trình xử lý hồ sơ... để có quyết định đầu tư phù hợp.

Tin cùng chuyên mục