“Mảnh gốm vỡ” và hành trình gian nan đi tìm cái đẹp

Mảnh gốm vỡ của nhà văn Linda Sue Park, từng được trao giải Newbery năm 2002, mang đến một câu chuyện đẹp, đầy tính nhân văn và truyền cảm hứng về nghề làm gốm. Không chỉ thế, truyện còn đề cao những giá trị về gia đình, tình thương, dũng khí, lòng biết ơn, sự quyết tâm... 

Linda Sue Park sinh năm 1960 tại Urbana (Illinois, Mỹ), là con gái trong một gia đình nhập cư Hàn Quốc. Bà bắt đầu làm thơ và viết truyện từ năm 4 tuổi. Năm 9 tuổi, lần đầu tiên bà được đăng một bài thơ ngắn trên một tạp chí dành cho trẻ em.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng tiếng Anh, bà tiếp tục nhận được bằng tốt nghiệp của cả hai trường Cao đẳng Trinity, Dublin và Đại học London. Mảnh gốm vỡ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của bà.

Từ năm 2001 đến 2006, tác phẩm được đề cử nhiều giải thưởng văn học như: Newbery Medal Book, ALA Best Book for Young Adults, ALA Notable Book for Children, Asian Pacific American Award, Young Reader's Choice Award.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên hầu như Linda Sue Park không biết về Hàn Quốc. Sau khi kết hôn và sinh con, bà bắt đầu nhận thấy cần phải đọc và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc để kể cho con nghe. Và đó cũng là lý do chính khiến bà lên ý tưởng viết quyển sách này.

“Mảnh gốm vỡ” và hành trình gian nan đi tìm cái đẹp ảnh 1 "Mảnh gốm vỡ" từng được trao giải thưởng Newbery năm 2002 cùng nhiều đề cử giải thưởng văn học danh giá khác
Mảnh gốm vỡ lấy bối cảnh triều đại Goryeo trên bán đảo Triều Tiên thế kỷ XII. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là cậu thiếu niên mồ côi Mộc Nhĩ với nhiều dũng khí và luôn hy vọng trở thành một thợ gốm thực thụ. Cậu sống với bác Sếu, một ông lão thọt chân, dưới gầm cầu làng gốm Chulpo.
Mộc Nhĩ khao khát trở thành một thợ gốm nhưng mơ ước của cậu có vẻ quá xa xôi vì nghề này chỉ cha truyền con nối. Một hôm, vì làm vỡ món đồ gốm của bác thợ Min khó tính, một nghệ nhân gốm hàng đầu trong làng, Mộc Nhĩ buộc phải vào phụ việc vặt trong xưởng gốm của bác để trả nợ. Từ đó, hành trình nhọc nhằn, đầy thử thách để tiến gần tới giấc mơ của cậu chính thức bắt đầu.

Tuy là tiểu thuyết hư cấu nhưng Mảnh gốm vỡ lại có nhiều chi tiết, sự kiện có thật trong sử liệu do tác giả dày công nghiên cứu để đưa vào truyện ở những thời điểm hợp lý, nhằm giúp người đọc phần nào hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Hàn Quốc.

Chẳng hạn, Mảnh gốm vỡ có nêu ra một trong những câu chào hỏi thông dụng ở xã hội xưa chính là: “Hôm nay nhà bác được bữa no chứ?” Chỉ thông qua một câu chào đó, người đọc có thể cảm nhận kế sinh nhai chính là mối bận tâm hàng đầu của dân làng sống ở Hàn Quốc thời kỳ này. Và cậu bé Mộc Nhĩ cùng bác Sếu chính là hai con người phải chịu cảnh đói khổ, dày vò nhiều nhất trong làng.

Bên cạnh những chi tiết về đời sống sinh hoạt, Linda Sue Park cũng rất dụng công khi tái hiện lại nghề làm gốm ở xã hội Hàn Quốc thời xưa vô cùng kỹ lưỡng. Thời gian đầu, thợ làm gốm men ngọc bích của triều đại Goryeo (918 - 1392) cũng chịu ảnh hưởng phong cách từ Trung Quốc.

Dần dà, họ đã tìm được bản sắc riêng trên nhiều phương diện: dáng gốm đơn giản mà tao nhã, màu men không ở đâu có được, nét hoa văn tinh xảo trong từng sản phẩm, và cuối cùng là việc sáng tạo ra nghệ thuật khảm gốm. Mọi sản phẩm được mô tả trong Mảnh gốm vỡ đều thực sự nằm trong viện bảo tàng hoặc các bộ sưu tập cá nhân trên thế giới.

Người đọc sẽ thích thú với những nội dung đặc sắc mang đậm tính Hàn Quốc, đồng thời vẫn hứng thú dõi theo từng bước đi và cung bậc cảm xúc của nhân vật qua lối kể chuyện tài tình, khéo léo của tác giả. Có thể nói, đây là một cuốn sách viết về cái đẹp và hành trình gian nan đi tìm cái đẹp.

Truyện nhận được Huân chương Newbery năm 2002 - giải thưởng sách thiếu nhi đầu tiên trên thế giới có từ năm 1922 của Hiệp hội Thư viện Mỹ trao tặng hằng năm cho các tác giả có đóng góp đặc sắc trong văn học thiếu nhi, là quyển sách thiếu nhi được khuyến khích đọc trong tất cả các thư viện trên khắp nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục